Chị Phụng của tôi Tôi gia nhập lực lượng Nhân Dân Tự Vệ phường Thạc
Gián , quận 2 thành phố Đà Nẵng mùa thu năm 1971, sau một ngày huấn luyện căn bản
quân sự và một ngày huấn luyện tác xạ tại trung tâm huấn luyện Hòa Cầm , tôi nhớ
không lầm thì đây là nơi huấn luyện cho Địa Phương Quân và Nghỉa Quân của tiểu
khu Quãng Nam. Tôi đang học thi Tú Tài II nên được ưu tiên đi gác từ 8 giờ tối
đến 10 giờ đêm , tại 1 trong 2 trạm gác của phường , phiên gác nầy chỉ dành cho
các cô còn độc thân khoảng 18 đến 25 tuổi, sau đó thì đoàn thanh niên NDTV sẻ
tiếp tục phiên gác cho đến sáng . Nhiệm vụ canh gác là ngăn chận CS không di
chuyển vủ khí vào các phường , khóm , như chúng đã từng làm trong dịp Tết Mậu
Thân . Nhóm chúng tôi có 4 người chị Phụng và chị Lý lớn hơn tôi 2 tuổi, còn
Kim Anh thì cùng tuổi với tôi. Tôi đi canh gác hàng đêm với một trong ba cô con
gái của đoàn Thanh Nữ NDTV thay phiên nhau, tôi có nhiều kỹ niệm đẹp với chị Phụng
hơn là chị Lý và Kim Anh , với chị Lý thì chúng tôi là hàng xóm , nhà sát bên
nhau nên gặp nhau hàng ngày, chị rất nghiêm trang và ít nói, còn tôi và Kim Anh
cùng tuổi thì trò chuyện om sòm mổi lần đi gác với nhau . Mẹ tôi thường dặn dò
tránh xa con gái cao số thì tôi sẻ chết sớm hay họ sẻ ăn hiếp tôi suốt đời, tôi
bận bịu công việc học hành và thay mặt ba tôi còn đang còn tại ngũ coi sóc bảy
đứa em còn nhỏ dại, nên không có cơ hội gặp gở người khác phái để dính líu
đến vấn đề lo sợ của mẹ tôi, ngoại trừ 2 tiếng đồng hồ mổi đêm đi gác với một
trong 3 cô hàng xóm. Chị Phụng rất gần gủi với tôi, tuy nhiên chị tuổi Dần nên
mẹ tôi không thích sự gần gủi của chúng tôi cho lắm vì theo lời mẹ tôi thì đàn
bà tuổi Dần thì cao số, chị có người yêu là một anh Chuẩn Úy BĐQ người Sài Gòn
đóng quân trên Thường Đức, nơi mà cách đó vài năm chú tôi là lính LLĐB bị bắt
làm tù binh khi CSBV tấn công căn cứ nầy. Anh Hoàng hay theo xe hậu cứ về Đà Nẵng
thăm chị Phụng, anh cắm chiếc mũ nâu vào cầu vai áo khi vào xóm , với tôi lúc
đó hình ảnh người Sỉ Quan trẻ tuổi mặc áo rằn ri, đi với 2 người lính mà mẹ tôi
gọi là tà lọt cho anh Hoàng làm tôi mơ ước và hình dung một ngày nào đó tôi sẻ
như anh, mùa đông miền Trung buốt giá từng đêm, nhiều khi có vài cơn mưa phùn lất
phất nên gia tăng cái lạnh vô cùng, tôi luôn luôn chờ đợi những đêm cùng phiên
gác với chị Phụng, để trong đêm tối nhìn nụ cười rạng rở trên môi hồng của chị,
khi tôi kể chị nghe mơ ước ngày mới lớn, tôi mê thơ Hàn Mặc Tử và căn bện dị
ứng ngoài da của tôi làm bạn bè càng diểu cợt, có ngày tôi sẻ vào trại cùi Bến
Sắn mà không có Mộng Cầm, tôi mơ mộng có Mộng Cầm dù sao đi nữa thì cuộc đời
cũng đở cô đơn, tôi hy vọng có một ngày sẻ trở thành nhà thơ nổi tiếng như Xuân
Diệu, Huy Cận hay Quang Dũng, mặc dù theo lời các bạn học của tôi thì thơ tôi
không hay bằng thơ đánh số đề của báo Trường Sơn, phát hành tại Đà Nẵng vào thời
buổi nầy, tôi tập tành viết văn nhưng văn tôi đầy mùi vị của những tuồng cải
lương mà tôi nghe từ chương trình phát thanh của đài Sài Gòn hàng tuần, tôi muốn
làm lính áo rằn, đội nón bê rê màu phủ bụi đường, vào quán cà phê tán dóc với mấy
cô tiếp thụ xinh đẹp mà không lo sợ đám du côn Đà Nẵng hành hung, ăn hiếp. Tôi
thèm hơi ấm từ người chị sưởi những đêm mưa lạnh, khi chị choàng áo mưa che cho
tôi khỏi ướt áo, tôi nghe trái tim ngày mới lớn rạo rực với rung động đầu đời,
chị kể tôi nghe chuyện anh Hoàng những ngày trong chiến trận, nổi lo âu một
ngày anh không trở lại, tôi an ủi chị và nguyện cầu cho anh được bình an để hai
người có một ngày sống hạnh phúc bên nhau khi đất nước thanh bình. Mùa hè đỏ lữa
1972 tôi trình diện Trung Tâm tuyển mộ nhập ngũ theo lịnh Tổng động viên, rồi
vào thụ huấn tại trường Đồng Đế, Nha Trang, sau khi tốt nghiệp tôi được về binh
chũng Thiết Giáp, trong hai tuần về phép tôi ghé thăm chị Phụng trước khi trình
diện trường Thiết Giáp để học SQ Căn Bản TG, chị Phụng trông già đi nhiều tuổi,
chị rất mừng khi tôi không làm lính bộ binh, dầu không được mặc áo rằn ri như
tôi mơ ước nhưng không lội suối. băng rừng như anh Hoàng lúc nầy đã lên Thiếu
Úy, tuy nhiên tình hình chiến sự chung quanh quận lỵ Thường Đức khi đó rất
căng thẳng, anh Hoàng hành quân liên miên ít khi có dịp ghé về thăm chị. Chị nắm
tay tôi khi giả từ, nước mắt nhỏ xuống khuôn mặt rạng rở, mà tôi đã nhiều lần
nhìn trong những đêm ngồi gác bên nhau, tôi nhớ câu thơ ( Cổ lai chinh chiến kỹ
nhân hồi) nên thấy lòng ái ngại, không biết cho tôi hay cho anh Hoàng trong những
ngày tháng tới. Mãn khóa CBTG tôi chọn về Lữ Đoàn III Xung Kích, các Thiết Đoàn
Kỵ Binh thuộc Lữ Đoàn nầy thường hành quân với các đơn vị BĐQ nên tôi có nhiều
kỷ niệm đẹp với những người lính mũ nâu, đầu tháng 10 năm 1974 tôi đi phép về
Đà Nẵng, tôi đến tìm thăm nhưng không gặp chị Phụng, anh Hoàng mất tích trong
một trận đánh trước đó vài tháng khi CSBV tấn công quận lỵ Thường Đức, chị Phụng
lên đó tìm anh mặc dù đường liên tỉnh lộ 4 từ Đại Lộc lên Thường Đức rất nguy
hiểm, khi lực lượng Nhảy Dù còn chiến đấu dũng cảm trên đồi 1062 và CSBV thường
xuyên phục kích và tấn công trên chặng đường vào quận lỵ nầy . Tôi nhớ bản nhạc
chuyện tình Mộng Thường, cô em gái hậu phương yêu anh lính Biệt Động Quân rồi tử
nạn trên đường đến thăm anh, tôi lo sợ cho chị Phụng khi trên đường về thăm quê
nội ở Đại Lộc, nhìn cảnh hoang tàn đổ vở của quê tôi do kẻ thù từ phương Bắc
gây ra. Từ đó tôi không còn nghe tin tức gì của chị Phụng và anh Hoàng, năm
2002 tôi có dịp ghé qua Thường Đức trong một lần về lại Việt Nam, cuộc hành
trình từ Đà Nẵng băng qua căn cứ huấn luyện Hòa Cầm, từ Ái Nghỉa xuôi theo LTL
4 qua Hà Nha rồi vào Thường Đức, tôi cảm thấy bùi ngùi có thể chị Phụng của
tôi đã ra đi trên chặng đường nầy để tìm lại người yêu, tôi nhớ hai câu thơ Mỹ
nhân tự cổ như danh tướng Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu Chị Phụng của tôi chẵng
phải là mỹ nhân nhưng chị có tấm lòng tốt đẹp dành cho tôi, chị không có nụ cười
quyến rũ như những cô minh tinh trên màn ảnh xi nê , mà tôi đã xem trong những
buổi cuối tuần tại rạp Trưng Vương nhưng ánh mắt và tiếng cười của chị còn mải
trong tôi dư hương của những ngày với vào tuổi đôi mươi, tôi nhớ mải lần gặp gở
sau cùng khi chị cầm tay tôi trong nước mắt buổi giả từ, có lẻ chị linh cảm một
ngày nào chúng tôi sẻ không còn gặp lại nhau, điều nầy làm cho tôi càng nhớ chị
hơn nên hồn tôi quặn nổi đau, cơn gió Tây thổi về từ rặng Trường Sơn ngày cuối
tháng mười hơi lành lạnh, tôi nhớ hơi ấm tình thương của chị trong những đêm lạnh
quê miền Trung và lạ lùng thay khi không có mưa phùn bay mà tôi nghe ướt mắt
ngày về lại quê hương.
Lê Chiến khóa 8/72 SQTB Đồng Đế