Tuesday, December 7, 2010

TÌNH GỬI TỪ TRÊN ĐÔI CÁNH SẮT

Tôi đến tìm Em ngày chớm hạ
Vai nặng hành trang, tim nặng tình
Ngâp ngừng muốn nói câu từ giã
Ngại làm nắng úa lúc bình minh.

Lời yêu thầm nói trong thinh lặng
Để giấc hoàng lan vẫn dịu êm
Tầm xuân đang hé cười trong nắng
Sao hồn như lá úa bên thềm?!

Em mộng mơ gì trong giấc ngủ
Có biết ngày vui ánh mai hồng
Có thấy tình hoa đang hé nụ
Trong tiếng hoan ca buổi hừng đông?!

Đường mây rồi sẽ chia vạn dặm
Một tiếng yêu còn đọng trên môi
Em đang say giấc trong mộng thắm
Có biết sầu đang dậy khôn nguôi?!

Ước gì Em hiểu được lòng tôi
Mong sao ngày tháng hãy ngừng trôi
Cho tia nắng ấm hôn làn tóc
Tô thắm tình tôi dẫu không lời.

Ước gì Em đến bên tôi nhỉ?!
Để tim rung mãi nhịp nồng say
Mai này trên bước đường thiên lý
Có mảnh tình tôi nối đêm ngày.

Tôi sẽ nói thầm câu tạm biệt
Vì vẫn còn đây nỗi hoài mong
Chia tay đâu phải là vĩnh quyết
Nên lời yêu dấu tận đáy lòng.

Dù cách phương trời, xa vạn dặm
Hồn sẽ tung trời, vượt cánh mây
Để ngày mai đẹp màu nắng ấm
Tìm đến bên Em nối tình đầy.

Tình gửi từ trên đôi cánh sắt
Yêu thương trải nhớ, vượt sơn khê
Ơi Em xin hẹn mùa trăng mật
Tay nắm bàn tay nói hẹn thề.

HUY VĂN
( Lấy ý từ  Leaving on a Jet Plane - John Denver )

ĐỘT KÍCH ĐÊM

Trăng đỏ máu, suối đen hơn đáy vực
Đêm chập chùng, bừng sáng hỏa châu soi
Cúi rạp mình như bò sát, nín hơi
Chờ thủ hiệu, hàng ngang cùng đột kích.

Dốc yên ngựa phân chia ta với địch
Cỏ tranh khô, tử khí át hương sim
Đêm phập phồng theo nhịp đập con tim
Giờ quyết tử. Trung Đội: " Xung phong! Sát! "

Mạng con người phút giây thành cỏ rác
Đêm thét gào, súng đạn nổ không ngơi
Chiếm mục tiêu, đêm long đất lỡ trời
Người hăng máu, núi đồi say khói lửa .

Rồi im lặng chợt về trên địa ngục
Đêm thâm u, dã thú nuốt con mồi
Bóng trăng nghiêng, hoa đăng nhạt sau đồi
Soi bãi chiến, rọi hố hầm đẫm máu .

Vuốt mắt bạn, gom xác thù, báo cáo
Vét chiến hào, chờ đơn vị bàn giao
Khói mắt cay, hay có ngấn lệ trào
Khi khoảnh khắc bỗng trở thành thiên cổ.

Lại suốt đêm giữa chiến trường gian khổ
Lính hành quân, đêm thức, sáng ngủ ngày
Chờ đến lượt bản thân mình " trúng số "
Buồn tang thương, vui sống sót hôm nay .

Huy Van

XIN ĐƯỢC CÁM ƠN NGƯỜI

Xin cám ơn những tấm lòng quảng đại
Đã rộng tay đón nhận kẻ khốn cùng
Lại bắt đầu trên mảnh đất tạm dung
Cho mầm sống tái sinh trong đời mới.

Đành là phải hướng lòng theo bước tới
Nhưng vẫn còn cay đắng mối thương tâm
Đang râm rang nỗi nhớ rất âm thầm
Của năm tháng, bể dâu mùa quốc nạn.

Xin cám ơn máu xương thời khinh mạng
Đã bao năm vun xới đất Ông Cha
Máu liệt oanh của trang sử Cộng Hòa
Làm thành lũy ngăn cuồng lưu hồng thủy.

Thân viễn xứ mà hồn nơi cố lý
Núi sông ơi! Đây mấy cõi quan hoài
Ký ức nào còn mang nặng trần ai
Của một thuở đẹp giày saut, áo trận.

Xin cám ơn những đắng cay định phận
Nuôi hùng tâm dẫu nước mất nhà tan
Thân ngục tù, hồn vẫn thênh thang
Thả mơ ước vào khung trời hy vọng.

Cám ơn Người hy sinh cho tôi sống
Dù lất lây trong nghịch cảnh oan khiên
Cám ơn Anh: gương bất khuất, trung kiên
Của kẻ sĩ giữa muôn trùng khổ nhục.

Gom một thoáng hương thừa hạnh phúc
Thành nến hong tâm thức lúc chiêm bao
Xin cám ơn những xương trắng máu đào
Đã tô thắm thời  " cổ lai chinh chiến "

Tận đáy lòng mãi vang lời ước nguyện
Nhìn trời quê rực rỡ ánh hồng tươi
Mùa Tạ Ơn xin được cám ơn Người
Nay viễn xứ hẹn ngày mai quang phục.

HUY VĂN
26-11-2009
( Cảm hứng từ đoạn video có hình ảnh của
Thiếu Tá Lê Hữu Cương Khóa 16 Võ Bị )

BAO NĂM ƯỚC HẸN VẪN CHƯA TRÒN

( Để nhớ mùa công tác CTCT
19/11/1972 - 19/01/1973 )

Khác gì mây khói vương đầu núi
Loáng thoáng, mong manh, chực chờ tan
Lời hứa đã chìm trong gió bụi
Khi chân khua mãi nhịp hoang đàng.

Một dạo Thu tàn trên bóng nắng
Lối Duồng(1) ai thả bước tung tăng?
Trời xanh, sóng bạc, hương biển mặn
Nhớ quá! Thượng Văn, ơi Thượng Văn!

Vành nón nghiêng theo chiều Lâm Lộc
Thơm nắng làng Em táo trĩu cành
Làn gió đưa hương vờn lên tóc
Guốc khua lính qúynh bước chân nhanh.

Lỡ một chuyến xe về Phan Rí
Đành treo nỗi nhớ tại ngả ba
Trải một dòng Thơ vào nhật ký
Cho dài thêm nỗi nhớ Hòa Đa.

Hừng hực nắng loang trên mặt đất
Con dốc Lương Sơn muốn đụng trời
Khi không máu đổ mùa Sinh Nhật (2)
Chưa thành lính chiến đã thây phơi.

Nhớ dãy phố buồn ôm quốc lộ
Vằng vặc trăng soi bóng quận đường
Sương tỏa bóng Hời đêm hoài cổ
Nỗi lòng Chiêm Quốc thẫn thờ vương.

Bao năm ước hẹn vẫn chưa tròn
Lạc giữa phế hưng của nước non
Bình Thuận, Hòa Đa dù vạn dặm
Vẫn gần tâm tưởng, vẫn keo son.

HUY VĂN
(1) Duồng =  Một tên khác của Xã Thượng Văn
(2) " Tai nạn giao thông “ giữa GMC và L19 ngay tại đầu
dốc Lương Sơn, Xã Chợ Lầu, Quận Hòa Đa ngày 19-01-1973 .
Một SVSQ thiệt mạng. Bốn SVSQ và người Quan Sát
Viên của L19 bị trọng thương

LÚC PHÂN VÂN

Xưa chinh chiến vốn mang hồn bất sá
Đường chông gai mà bước chẳng ngại ngần
Nay yên ấm sao rụt rè chí cả
Nhìn cảnh đời trôi xấp ngửa, lần khân!

Có phải vì mang phận hèn, thân nhục
Nên cùn mằn nơi xứ lạ, người dưng?
Hay chỉ vì nhánh đời chia mấy khúc
Nên tháng năm cứ trì trệ...lừng khừng?

Đem buồn vui vào tiếng chì, tiếng bấc
Của nhịp đời chìm nổi giữa phế hưng
Để dư âm của binh tàn, nước mất
Vẫn triền miên vang vọng đến vô chừng!

Thương quá! Những tim hồng mang nhiệt huyết
Nhớ làm sao! Sắc áo với màu cờ
Xưa ngậm ngùi nhìn non sông tận tuyệt
Nay vẫn là chim quốc gọi nguồn mơ.

Nợ xương máu chất chồng theo ngày tháng
Câu hẹn thề còn vọng mãi hoài âm
Bao nhiêu năm mỏi mòn vì quốc nạn
Quê hương ơi! Đây một nỗi đau thầm.

Thắp ngọn đuốc soi bóng mù viễn xứ
Cho sáng hồn khi chao đảo, phân vân
Ta: bèo bọt đang xuôi dòng lữ thứ
Mang lòng son đặt trên bước thăng trầm!

Đã thấp thoáng ráng trời, hoàng hôn tím
Nên cũng đành cương lỏng, vó câu lơi
Thời gian ơi! Hãy ngược vòng xoay chuyển
Cho hoa niên lần nữa điểm tô đời.

HUY VĂN

SÀIGÒN 1972

Lang thang đi giữa phố phường
Bước chân vô định, con đường vô thanh
Rừng người như nước trôi nhanh
Ta như suối cạn loanh qoanh trũng buồn
Chỉ qua mấy tháng quân trường
Đã man mác những vô thường hiện sinh
Thiên tòa đèn, nến lung linh
Mừng mầu nhiệm của an bình Thiên Sai
Vài câu nguyện Đấng Anh Hài
Xin vơi bớt những u hoài đa mang
Người vui hạnh phúc trần gian
Ta nghe vai nặng hành trang vào đời
Đêm nay: Đêm Thánh từ trời
Đêm ta từ giã mộng đời hoa niên
Áo thư sinh giữ tình riêng
Áo nhà binh gánh ưu phiền quan san
Giữa lòng phố thị rộn ràng
Chân đi, hồn bỗng ngập tràn ưu tư
Mới qua ngày phép mà như...
Muốn quay lưng bước, giã từ đêm vui.
HUY VĂN


HIỆP ĐỨC 1975
Tiếng ai đó thở dài trong bóng tối
Thay tiếng lòng khấn nguyện đón Giáng Sinh
Đêm rừng núi co ro tay bó gối
Đêm lạnh đầy lán trại Tù tàn binh.

Tiếng ai đó hay thâm u gió thổi?
Hòa tiếng côn trùng tấu khúc nỉ non
Lạnh vào tim cho lòng chợt héo hon
Đêm Hiệp Đức. Đêm đông. Đêm cải tạo.

Tiếng ai đó! Hay tiếng lòng áo não
Mang đắng cay, tủi nhục kiếp vong thân
Đêm Tình Yêu. Đêm Thiên Chúa xuống trần
Lòng khắc khoải mơ hồng ân nhiệm lạ.

Tiếng ai đó!? Trời ơi, sao buồn quá!
Thương gia đình, nhớ Cha Mẹ, Vợ Con
Nhớ người yêu, bè bạn, nhớ...Sàigòn
Nhớ kỷ niệm, buồn, vui và...tất cả.

Tiếng ai đó hay rừng khuya trút lá?
Bồi hồi theo hoài vọng Đấng Cứu Tinh
Triệu con tim thổn thức điệu an bình
Xin ơn phước lấp tràn cơn sóng đỏ.

Tiếng ai đang thì thầm, hay lời gió?
Mang hương lòng vượt trăm núi, ngàn sông
Đêm huyền linh. Có mơ thấy gì không
Hỡi đồng cảnh : Tù tàn binh  Hiệp Đức?
HUY VĂN

LẠI MỘT NGÀY CUỐI THÁNG, CUỐI NĂM

Bừng mắt dậy. Sáng trời: tuyết đổ
Lại rưng rưng tiềm thức lạc loài
Giọt cà phê tỏa hương viễn phố
Đặc quánh như vô lượng trần ai.

Trắng một cõi sương giăng bãng lãng
Chờ vòng quay khép lại thời gian
Trời thinh lặng, Người buồn ly tán
Lòng viễn du chớp bể mây ngàn.

Nhìn tuyết phủ một trời băng giá
Thấy cảnh đời như bóng tà huy
Thẩn thờ như bóng cây trơ lá
Hồn mang mang nhớ lúc xuân thì.

Gọi sông núi vào vùng hoang tưởng
Bày cuộc chơi đầu gió chân mây
Ít ra cũng một lần ngất ngưỡng
Nối quê hương- viễn xứ. Đông-Tây!
Cứ vuốt mặt hẹn lần hẹn lựa
Mà bóng quê thì vẫn mù tăm
Thôi cũng đành! Hẹn thêm lần nữa
Lại một ngày cuối tháng, cuối năm!

HUY VĂN
( Lebanon, PA 31/12/2009
)

XUÂN TRÊN PHỐ SÀIGÒN

Sàigòn vẫn thân quen từng góc phố
Chỉ cuộc đời đang cùng cực đổi thay
Nên đang đi giữa phố xá hôm nay
Lòng cảm thấy đã là người xa lạ.

Vẫn còn đây phố phường năm bảy ngả
Nhưng đường nào cũng rậm rạp cờ sao
Như cánh rừng trong ác mộng chiêm bao
Đang vây hãm những mảnh đời tăm tối.

Cũng là Xuân đang về trên muôn lối
Nhưng cỏ, cây, hoa, lá chỉ gượng vui
Vẫn là Xuân với mơn man gió thổi
Đón xuân tươi sao héo úa nụ cười?!

Ngồi trầm ngâm rót buồn vào ly cạn
Bạn và tôi ngậm bọt, nuốt rưng rưng
Say? Mặc kệ! Chiều nay mình xả láng
Mai chia tay vĩnh viễn...Biết đâu chừng!?

Men bia đắng. Men đời không vị ngọt
Nên đành lòng: tuổi trẻ đốt thanh xuân!
Bạn và tôi: giữa thời cuộc trầm luân
Như cá chậu, như chim lồng khan tiếng hót.

Hãy cạn ly cho lòng thêm đau xót!
Hãy cười tươi trên sân khấu lộ thiên
Chôn thật sâu, thật lắng nỗi niềm riêng
Vì hài kịch chỉ mới vào vở diễn!

Xuân thanh bình mà sao hồn chinh chiến?!
Giữa Sàigòn ngồi nhắc bóng Xuân xưa
Những mùa Xuân ven suối cạn, rừng thưa
Cùng Xuân thắm của tuổi thơ dấu ái.

Sàigòn ơi! Bây giờ và mãi mãi
Trong đời ta không còn bóng Xuân qua
Xuân đang về mà hồn đã vắng xa
Vì hồng thủy và cuồng lưu hoang tưởng.

Chiều tàn năm bạn cùng tôi ngất ngưỡng
Cạn ly đầy. Nhìn thế sự nhi nhô
Chúc gì đây?! Ngôn từ sao quá gượng
Xuân đến mà chi!? Buồn quá! Thôi!...VÔ!

HUY VĂN
Trước thềm Xuân Mậu Ngọ 1978
( Tặng quý đồng cảnh Nhà 2, Trại 4, HT/TA14: Phong, Đạt, Hữu, Ngọc, Thành )

BÓNG XUÂN GIỮA NÚI RỪNG

Xuân  về  sao  nắng  chưa  đủ  ấm ?
Lấp  lánh  sương  còn  lạnh  sớm  mai
Rừng  vẫn  muôn  trùng  ôm  núi  thẫm
Tuyến  đầu  súng  vẫn  giữ  trên  tay.



Nơi  đây  không  có  màu  hoa  thắm
Ong  bướm , chim  trời  chẳng  ghé  qua
Trầm  ngâm  như  nước  hồ  gương  lắng
Nên  bóng  Xuân  còn  xa  rất  xa.



Không  có  hoa  núi  cô  đơn  quá
Không  có  Xuân  rừng  bỗng  hóa  già
Giữa  khung  cảnh " Trời  quen, Đất  lạ..."
Lính  cũng  buồn, chợt  nhớ  Mẹ  Cha.



May  quá ! Có  chút  quà  kết  nghĩa
Của  hậu  phương  gửi  lính  xa  nhà
Vài  gói  thuốc  cùng  trà  thơm, bánh , mứt

Thư  học  trò  kèm  khăn  nhỏ  thêu  hoa.


Dường  như  trang  giấy  còn  thơm  mực
Thoảng  hương  tóc  gội  nắng  vào  Xua^n
Man  mác  tuổi  hồng  trong  nét  bút
Ấm  lòng  chiến  sĩ  lúc  hành  quân.



Dù  chỉ  một  vài  câu  ngắn  ngủi
Đủ  mang  hạnh  phúc  đến  ngập  lòng
Ơi  người  Em  gái  chưa  quen  biết
Xuân  đến  rồi  đây. Có  phải  không?


HUY VĂN
( Trà  Kiệu, Duy  Xuyên 17-01-1974 )

TỪ VẠN DẶM

Gío ơi! Hãy căng buồm về bến cũ
Cho thuyền đời quay ngược chuyến viễn du
Một đại dương, đôi bờ nhớ mịt mù
Trăn trở mãi tháng ngày nơi biệt xứ.

Mưa ơi! Hãy đong giọt buồn cô lữ
Nhắn dùm ta lời hò hẹn trăm năm
Lỡ mai sau ngỡ ngàng câu tình tự
Cũng còn đây nỗi nhớ rất âm thầm.

Mây ơi! Hãy về che rừng, ôm núi
Khoác đài trang lên cánh áo mù sương
Dệt bâng khuâng trong diễm ảo vấn vương
Cho cổ tích vẽ tranh thơ huyền thoại.

Nắng ơi! Nối biển trời quan tái
Với sơn khê đang lạnh lẽo, sơ khai
Thả ánh sáng vào tối tăm cổ đại
Sưởi ấm đời, soi chiếu bước tương lai.

Trăng ơi! Trải màu tơ đêm khắc khoải
Bàng bạc treo thương nhớ, bắt nhịp cầu
Đông dõi bóng theo ngàn trùng hồ hải
Tây nghiêng sầu cho dài quá... canh thâu!

Người ơi! Hãy hướng lòng từ vạn dặm
Thắp hương nguyền, mặc niệm mảnh non sông
Nhớ trời quê, lòng ly khách thầm mong
Ngày nắng ấm cho Xuân bừng sắc thắm.

HUY VĂN

MỘNG ĐỜI


Xin cho tôi được nắm bàn tay
Để nối tình thân, nối tháng ngày
Nối thêm ước trên đất mới
Vui nhịp đời trôi, quên đổi thay.
 
Xin cùng thăng tiến, vượt khổ đau
Nút dây thân ái giữ lòng trao
Gom hạnh phúc vào trong cuộc sống
Thắm tình luân lạc, nghĩa đồng bào.
 
Xin được mời nhau hướng về nguồn
đang tranh sống chốn tha phương
Trên cánh thiên di, hồn sông núi
Vẫn theo chim Lạc lướt trời sương .
 
Xin giữ trong tim ngọn lửa hồng
Soi đường thiên lý, sáng đời trong
Sưởi ấm tâm tình nơi xứ lạ
Xóa tan tăm tối, đón hừng đông.
 
Xin được cuối đời nghe tiếng hát
Của trẻ thơ vui giữa phố người
Hạnh phúc dâng tràn theo tiếng nhạc
Như đóa hoa lòng đón Xuân tươi.
 
Xin gửi tặng nhau những nụ cười
Làm hành trang vững bước không ngơi
Đẹp như Bách Hợp mùa hội nhập
Chan chứa tin yêu, thắm mộng đời.
 
               HUY  VĂN
(Qúy tặng những tâm hồn Hướng Đạo )

ĐÀ NẴNG NGÀY RA TRẠI

Quán đèn dầu. Thành phố loang bóng tối
Cảnh đìu hiu. Người lãng đãng, dật dờ
Chỉ một năm! Cứ như sống trong mơ
Phố cằn cỗi, người già nua. Nhức nhối!

Đêm Đà Nẵng, tháng 3! Mùa gió nổi
Quán không tên, leo loét bóng in tường
Nhớ bạn bè. Nhớ đồng cảnh thân thương
Còn nghiệt ngã trong cảnh đời tù tội.

Mới tròn năm đã quá nhiều thay đổi!
Ta về đây mà ngỡ lạc chốn nào
Phố bây giờ: nhà trống giữa rừng sao
Buồn như thể đồng hoang đêm sa mạc.

Một năm thôi! Đủ cho lòng tan tác
Xót nhục hình. Vàng đá tựa bèo trôi
Mắt thâm u. Lời ngậm kín trên môi
Cho nặng trĩu bóng đời mờ nhân ảnh.

Vừa ra trại đã thấy sầu nặng gánh
Đà Nẵng ơi! Ta trở lại đây rồi!
Chi thấy lòng thêm tẻ lạnh mà thôi
Kỷ niệm củ, thành phố xưa...đã chết!

Mai ta đi tiếng lòng sao nói hết
Câu tâm tình bất chợt thoảng qua mau
Chào Cầu Vòng mới đó đã lạ nhau
Vì Đà Nẵng nay đã thay chủ mới.

Mai ta đi sẽ không cần nhắn gởi
Vì thân thương, dấu ái đã mù khơi
Kẻ biệt tăm, người đang trả nợ đời
Còn ai nữa để mong lần gặp lại!?

Mai ta đi biết đâu là mãi mãi
Không quay về chốn cũ, một thời qua
Đà Nẵng ơi! Dẫu muôn trùng hồ hãi
Vẫn nhớ hoài phố, núi, biển...áo hoa!

HUY VĂN
20-03-1976
( Qúy tặng: Trần Ngọc Dũng, TĐ2 TQLC Nguyễn Văn Bốn, Nguyễn Văn Tài TK Quảng Nam, để nhớ ngày về từ Hiệp Đức )

LÃNG ĐÃNG


Vẫn còn đây tấm lòng son
Khi vui bất chợt, lúc buồn mang mang
Từ ngày thay cảnh nhân gian
Thủy chung còn lại mấy hàng thương tâm
Chút sương mờ tóc hoa râm
Nhuộm đời dâu bể, thăng trầm bấy lâu
Phù trần nắng quái, mưa ngâu
Nhân sinh chao đảo, mộng đầu bèo mây
Gánh quan san nặng vai gầy
Cõi trầm kha vẫn còn đầy nhiễu nhương
Vẫn gai góc phủ trên đường
Mang hồn du mục tha phương gọi tình
Muốn quên một cõi phân chinh
Lại càng thêm nhớ phận mình gió sương
Một thân du tử tha hương
Một đời oan nghiệt, vô thường, phân vân
Đất xa chung mảnh trời gần
Người đi nặng bước phong trần đó đây
Tôi theo đầu gió, chân mây
Lạc vào hoang tưởng, nhập bầy thiên di
Bao năm đôi ngả phân ly
Trang đời viễn xứ còn ghi dòng sầu
Ngõ hoàng hôn bạc mái đầu
Lối phiêu du lắng vó câu dặm trường
Mang lòng hoài vọng cố hương
Trông vời cố quận, hồn nương mộng về.

HUY VĂN.

Vong Co Huong

Ngồi một cõi nhớ về mùa trăng cũ
Lòng bâng khuâng nghe gió lạnh muôn trùng
Trời xa vắng, bàng hoàng hoa héo nụ
Để vu vơ gom lại nỗi mông lung.

Một mùa thương đổ về trên nắng úa
Rừng nghiêng cây, trút lá, lạnh sương giăng
Chiêm bao thấy lối về mờ khói lửa
Cho trời mây buồn mấy nẻo cách ngăn.



Trên cánh gió ai nhắn lời trầm vọng
Để lòng đau thương hận của một thời
Tiếng ai đó, hay lời mây, tiếng gió
Dội vào tim như giông bão trùng khơi.



Có khoảng trống trong màn đêm vũ trụ
Gom không gian vào huyền hoặc hư không
35  năm còn đứng ngậm ngùi trông
Thuyền viễn xứ ra khơi theo định mệnh.



Vẫn trôi mãi dòng đời không bãi, bến
Thời hoa niên đã nặng gánh quan san
Nay bạc đầu  vẫn phiền lụy đa mang
Dây cương lỏng, ngựa chồn chân. Rời rã!



Một cuộc sống chia đời qua hai ngả
Mộng xa vời, thực tại lắm bến mê
Một ước mơ chia  trăm hướng đi, về
Nên thiên lý cũng bạc màu sương khói.



Nơi quan tái mơ hồ sông núi gọi
Lạnh sơn khê nên đắng cả hồ trường
Đành như lũ côn trùng chờ đêm tối
Để mỏi mòn cất tiếng vọng cố hương.

                        
Huy Văn

THÁNG 4! HẸN CHUYẾN HỒI HƯƠNG

Tháng 4! Tận tuyệt quan san
Về đâu một thuở dọc ngang với đời!?
Thiên di trên cánh trùng khơi
Bạn, tôi đi giữa đầy vơi phận người
Chia nhau cay đắng, ngọt bùi
Gượng vui bằng những tiếng cười vô thanh
Nhắc nhau những chuyện ngày xanh
Nhánh trầm kha vẫn đơm cành thủy chung
Đã đành treo kiếm, bẻ cung
Vẫn còn đây tấm lòng trung rạng ngời
Núi sông dù rất xa vời
Màu Cờ, sắc Áo ngập trời viễn phương
Tháng 4! Dốc cạn hồ trường
Nhớ hoài một thuở cùng đường...trắng tay
Bể dâu, thời cuộc, đổi thay
Rượu thề bến Dịch còn quay quắt lòng
Bờ xa đếm bước lưu vong
Mặc cho năm tháng khép vòng tử sinh
Gần nhau bằng những thân tình
Của thời luân lạc, của khinh mạng đời
Nén thêm phiền muộn rã rời
Giữ trong tim kỷ niệm thời gió sương
Bạn, tôi lữ thứ dặm trường
Gặp nhau tặng chút thân thương kết tình
Dìu nhau qua cõi vô minh
Vượt cuồng lưu đỏ, đón bình minh tươi
Mong ngày nắng ấm môi cười
Đường mây cố quốc nối đời tha phương
Tháng 4! Hẹn chuyến hồi hương
Bạn, tôi về giữa phố phường hoan ca!
HUY VĂN

GỬI HƯƠNG LINH TỬ SĨ KHỐI TÌNH CHUNG

Buổi tàn xuân gửi đôi dòng tưởng tiếc
Thay hương lòng thắp muộn chốn viễn phương
Tôi: lưu vong, đang lữ thứ dặm trường
Bạn: miên viễn, ngày đêm ôm đất Mẹ.

Lửa tim hồng của một một thời son trẻ
Vẫn bừng bừng dẫu bóng xế thời gian
Trải hy vọng nối nửa vòng trái đất
Gom ánh quang chiếu rạng lối quay về.

Gảy gánh tang bồng, tan mùa cung kiếm
Mang nỗi nhục thân suốt kiếp đọa đày
Tôi ở phương này xa xôi trời biển
Nhớ bạn, thương quê, buồn đọng mắt cay.

Bạn nghìn thu ôm màu Cờ, sắc Áo
Hiển linh trong hùng sử rất liệt oanh
Tôi còn mãi bôn ba trong mưa bão
Của phù vân và hiện thực mong manh.

Cánh thiên di còn nặng mang thề hứa
Suốt đời còn nặng nợ với sơn khê
Lời tâm nguyện từ dạo còn khói lửa
Nay thành câu hoài vọng lúc nhớ quê!

Những trăn trở mang dấu hằn thương tích
Chập chùng theo bóng sắc buổi tà huy
Nhớ bạn xưa, nhớ quá lúc xuân thì!
Đành treo chén quan san trong...nhật ký!

Tôi: một mảnh đời trôi ngoài vạn lý
Bạn: thiên thu hòa tiếng gọi muôn trùng
Nâng một cánh hoa lòng màu chung thủy
Gửi hương linh TỬ SĨ khối tình chung.

HUY VĂN
(Để nhớ  toàn thể anh linh Tử Sĩ một thời là Đồng Đội và Chiến Hữu BĐQ của tôi hiện còn an nghỉ đâu đó trên quê hương và trong vùng đất mang tên " Thương Tiếc " )

SÀIGÒN VÀ EM

Trong mịt mù của trường giang dậy sóng
Có dáng Em trên bến đợi: hiền, ngoan
Bàn tay thon níu không gian hiển lộng
Đời rong rêu mà tình rất nồng nàn.

Phố Sàigòn trong những ngày nắng đỏ
Mang nỗi buồn của hoang phế hiện sinh
May quá! Có em thon ngón nhỏ
Vun xới mầm xanh, nuôi dưỡng cuộc tình.

Cám ơn Em một thời là chiếc bóng
Đã cùng tôi chia sớt những niềm đau
Biến nỗi buồn trong nghiệt ngã đời nhau
Thành hạnh phúc vô thường thời hậu chiến.

Em: nắng sớm bên giáo đường huyền nhiệm
Tóc mềm buông trên cánh áo đài trang
Em: nguồn vui trong cùng tận đa đoan
Của năm tháng sống bằng lời kinh nguyện.

Em như bóng theo hình luôn quyến luyến
Chia gian nan, gánh bi kịch đời người
Qua ngàn nỗi u trầm thời quốc biến
Em vẫn một lòng thanh khiết, an vui.

Giữa man mác của đầy vơi hoài cảm
Em chập chờn như sương khói huyền minh
Nhớ  làm sao: lời Em quyện hương kinh
Và nhớ quá: Sàigòn, Em... kỷ niệm!

HUY VĂN
( Để nhớ Thérésa Nguyễn Thị Bạch Yến )

THÂN TA VẪN NỢ TRIỀN MIÊN


35 năm! Đã 35 năm!
Thời gian trôi lặng lẽ, âm thầm
Đường mây hun hút trên cánh gió
Thiên di vạn dặm chẳng hoài âm.

Nhớ khi xưa giữa thời vong mạt
Kiếp tàn binh cuốc đất, phá rừng
Biết bao dâu bể và tan tác
Ngày ra tù Trời, Đất rưng rưng.

35 năm thắp từng ngọn đuốc
Soi bóng đời ta giữa phù hoa
Biển lửa hôm nào ta nhập cuộc
Vẫn cháy râm rang cõi ta bà.

Nắng Hè thiêu đốt dòng hận sử
Mưa Thu lã chã giọt vắn, dài
Chớp mắt đã già thân lữ thứ
Chuyện vá trời biết tỏ cùng ai?

Nơi xứ người cơm no, áo ấm
Mà sao lòng khắc khoải, chưa yên
Tâm còn động, tình còn u uẩn
Bởi thân ta vẫn nợ triền miên.

Nợ xương máu những người đã khuất
Nợ núi sông trả mới nửa mùa
Nợ chồng nợ! Đời trôi tất bật
Thẹn lòng khi nhớ chuyện xa xưa.

( Để thay lời tri ân  Đồng Đội Tử Sĩ )

LÚC DƯỠNG QUÂN

Thau bách nhật nằm ngay trước mặt
Mồi " chay " chính giữa, Lính khoanh tròn
Trung đội chuyền nhau từng ca sắt
Nhấm nháp, khề khà... " Cũng khá ngon! "

Một đám hồn nhiên đứng, nằm, ngồi
Đứa sờn vai áo, đứa tả tơi
Quan, lính như nhau: cùng trang lứa
Chuẩn úy, binh nhì ...cũng vậy thôi!

Rượu uống cho vơi mùi lửa đạn
Quên nỗi gian truân của lính rừng
Vài ngụm đủ làm tim đập loạn
" Đủ rồi! Tụi bây uống. Tao ngưng!"

Lắc lẽo cọc tre, võng thế giường
Poncho che nắng, gió, mưa, sương
Vài hơi thuốc lá trong tiếng nhạc
Tưởng như đang ở chốn hậu phương.

Đơn vị tuyến đầu còn đối địch
Hôm nay đại đội tạm xa vùng
Về sau phòng tuyến làm trừ bị
Dưỡng quân, ứng chiến, tái bổ sung.

Sống được lúc nào vui lúc đó
Huống chi bom đạn rất vô tình
Chút men sưởi ấm đời gian khó
Thắm tình Huynh Đệ, nghĩa Chi Binh.

HUY VĂN
( Thạch Trụ, Mộ Đức, Quảng Ngãi 24-06-1974)

MỘT BÓNG: TÔI!

Tháng 7! Mùa Hè! Cơn nắng quái
Sân vàng cỏ rũ. Bóng cây nghiêng
Trên trời, vân cẩu như ngừng lại
Gío lặng. Tranh mây chợt hão huyền.

Dấu vết hỗn mang mùa đỏ lửa
Đã thành thương tích của Hè xưa
Đời trôi lặng lẽ hơn một nửa
Vẫn phong trần, phiêu bạt, nắng, mưa!

Lá cỏ phơi vàng sân hiu quạnh
Chớm Hạ mà như đã vào Thu
Bên trời hí lộng màu vân ảnh
Cho thêm rời rã đóa phù ưu.

Mượn chút nắng vờn qua tóc rối
Trải bâng khuâng vào chốn hư không
Quán gió, cầu sương: đời thoáng vội
Ngày chưa tắt nắng đã mênh mông!

Tháng 7! Trong nỗi đau thầm lặng
Thời gian cứ thế: vật vờ trôi
Như thuyền buông lái trên sông vắng
Thấy giữa muôn trùng một bóng: Tôi!

HUY VĂN
(07/07/97)

NGÀY CHIA TAY

Ta bước về xuôi khi hè đỏ lửa
Chào phố thân thương. Tạm biệt giảng đường
Chào những rộn ràng của mùa trọ học
Trả lại cao nguyên: rừng, núi, đồi, sương.

Giữa những bàng hòang, lòng như lá úa
Tập vở buồn theo lạnh vắng sân Trường
Suối tóc nào buông mượt mà áo lụa
Cuốn hồn ta trên vạn nẻo quê hương!?

Giữ lại chút tình thay màu kỷ niệm
Màu nắng hây hây lóng lánh hạt sương
Màu lá ngàn thông đỉểm trời biên biếc
Màu mắt ai cười, ngây ngất chiều buông.

Biết nói những gì khi xe chuyển bánh
Câu giã từ chợt giữ lại trên môi
Nắm vội bàn tay cũng cạn ý rồi
Có nói chi nhiều cũng vậy mà thôi!

Chưa là cố nhân đã thấy đời cách biệt
Thoáng mắt xa xăm tiễn bước chân đi
Thầm hỏi bao giờ sẽ quay trở lại
Còn gặp được ai, sẽ nói những gì?!

Rồi cũng chia tay mỗi người một ngả
Như đàn chim rời tổ, cánh tung mây
Một thoáng môi cười thay câu từ giã
Đà Lạt ơi! Xin hẹn gặp...sau này!

HUY VĂN
(Mùa Tổng Động Viên 1972)

ĐÊM RỤNG CÁNH VÀNG PHAI

Tháng 10! Đêm thu. Sương giăng mờ ngõ tối
Ngồi bâng khuâng thả mộng đón tàn canh
Đêm mù khơi, lạnh tràn lên ánh mắt
Người quạnh hiu. Trăng vời vợi xuyên mành.

Lòng rười rượi đưa hồn vào cõi nhớ
Mùa nguyên tiêu dìu dặt ánh trăng đầy
Nhớ phố núi mù sương hòa hơi thở
Mà ấm sao đường chung bước, đan tay!

Tháng 10! Đêm bồi hồi theo tâm động
Sương nhẹ giăng, trăng lấp lững chân mây
Đêm cô lữ nhìn phố khuya nghiêng bóng
Hồng nhan đâu!? Sao lạnh quá nơi này!

Người luân lạc. Đời phong ba. Tình lỡ
Thu hững hờ nhuộm tím lối quan san
Hương quá khứ lan dần vào nỗi nhớ
Đêm thản nhiên trôi. Trăng thổn thức ...tàn!

Thân ly khách theo dòng đời xấp, ngửa
Kiếp rong rêu chìm, nổi giữa trường giang
Vó câu đã im lìm từ muôn dặm
Nên giấc hoài Thu lạnh bóng trăng vàng.

Thu cô miên. Trăng tàn. Đêm hun hút
Gío trầm lay. Man mác tiếng thở dài
Buồn như thể sương nhòa trên lá mục
Tháng 10! Nghe đêm rụng cánh vàng phai!

HUY VĂN

Mua Trang

Ngày về ôi quá xa xăm!
Đêm sa mù vẫn lặng căm nẻo đời
Quạnh hiu, trăng nhạt đèn trời
Sương giăng độ lượng, giọt rơi hiền hòa
Đã xa! Ôi đã quá xa!
Âm hao tình động, nhạt tà áo mơ
Mạch sầu đọng giữa trang thơ
Nguyệt cầm gọi mãi bến bờ tịch liêu
Nhớ màu trăng úa ... đìu hiu!
Rèm sương phủ bước, lá thêu bóng rằm
Đêm soi ngõ vắng u trầm
Người đi: bóng nhỏ, âm thầm... cô miên!
Đèn trăng soi lối vô biên
Mập mờ đáy vực, hoang tuyền đỉnh mây
Đàn buông trầm, bỗng, vơi, đầy
Khúc ly hương vẫn đêm ngày héo hon
Bờ tây mấy độ trăng tròn
Biển đông người vẫn mỏi mòn đợi trông
Một đêm thu sáo sổ lồng
Bay đi vẫn nhớ bên sông ai chờ
Chờ đêm trăng tỏ, sao mờ
Tha phương đồng vọng bến bờ quan san
Mùa trăng xưa khóc ly tan
Đêm nay trăng vẫn còn mang u tình
Bâng khuâng người cũng một mình
Đối trăng, đối bóng, đối hình, đối tâm
Rừng thu khép lá ... trầm ngâm
Trăng nguyên tiêu cũng gọi thầm ... Tình ơi !

CHIỀU MƯA PLEIKU

Tôi đi giữa cơn mưa dầm đất đỏ
Lạnh đầu thu mà như đã lập đông
Hàng cây đứng chụm đầu trên phố nhỏ
Đây: Pkeiku. Đâu " má đỏ môi hồng" ?!

Nỗi nhớ theo mưa từ đâu chợt đến
Khi bâng khuâng chạnh nhớ dáng thông buồn
Đà Lạt đang trở mình trong gió quyện
Hay cũng chập chùng đong hạt mưa tuôn?

Đếm giọt cà phê thả đều một nhịp
Vọng tiếng  thời gian thong thả ... vô tình!
Trong góc quán Lính thả hồn tư lự
Nhìn mưa rơi tạm quên chuyện chiến chinh.

Có bóng ai nghiêng nón che cơn gió
Áo em nhòa trong màn trắng mưa sa
Có phải vì tôi em cuống cuồng bước nhỏ
Hay Basalte đang níu gót em qua?

Giữa phố phường, tôi làm người khách lạ
Đứng lặng nhìn mưa phủ bóng quỳ hoa
Chiều vào tối cho mù sương lan tỏa
Mưa vẫn rơi trên phố núi hiền hòa.

Tôi thả chân theo dòng người xuôi ngược
Thầm ngân nga câu " má đỏ môi hồng "
Phố lạnh lùng. Đường mưa rơi sũng nước
Lính thẫn thờ. Lòng quạnh vắng... mênh mông.

HUY VĂN
( Pleiku, mùa thực tập Trung Đội Trưởng tháng 11/1973 )

CÁM ƠN

Cám ơn trời vẫn còn xanh
Cho ngày vương nắng trên cành lập đông
Cám ơn khúc hát mênh mông
Gọi hồn về lắng bên dòng trường lưu
Qua ngàn dâu bể, phù hư
Cám ơn tâm định, lòng như hồ trầm
Tóc phai, đời cũng âm thầm
Xa xăm nỗi nhớ, mộng gần chiêm bao
Cám ơn lời hứa bên nhau
Cho năm tháng lướt qua mau... không ngờ!
Cám ơn tiếng khóc trẻ thơ
Nghe như suối nhạc đơn sơ, hiền hòa
Cám ơn Lòng Mẹ, Tình Cha
Theo Con từng bước đường qua biển đời
Đất Trời vô lượng muôn nơi
Gọi tình nhân ái, vọng lời tịnh yên
Đầy, vơi còn một nỗi niềm
Nhớ quê ba nổi, bảy chìm đã lâu
Cám ơn nắm đất đồng sâu
Thủy chung chia mối cơ cầu với dân
Sông Tiền, sông Hậu bao lần
Mang phù sa đắp bờ gần, ruộng xa
Cám ơn kỷ niệm trong ta
Vẫn luôn gợi nhớ quê nhà dấu yêu
Tóc phai! Sợi trắng đìu hiu
Vàng phai! Bóng ngã tịch liêu cuối trời
Cám ơn Tử Sĩ một thời
Anh linh ngự giữa mảnh đời lưu vong
Chút tình riêng giữ trong lòng
Thắp hoài ngọn nến Tiên Rồng trên tay
Cám ơn viễn xứ từng ngày
Nhắc ta về nỗi lưu đày biệt tăm
Đời trôi, trôi rất âm thầm
Vẫn còn đây khối tình thân trao Người.

HUY VĂN

ĐÔNG MIÊN

Tháng 12! Đông khép vòng nhật nguyệt 
Thêm một mùa luân lạc chốn tha phương!
Thấm thoát đã qua bao lần sương tuyết
Gót lữ hành khua mòn mỏi dặm trường.

Đời không chỉ là thăng trầm ...cơm áo
Qua bao năm còn chồng chất nghiệt oan
Khi trời đất còn dọc ngang mê lộ
Là bóng quê còn xa thẳm bạt ngàn.

Tần ngần đếm phiên buồn đời cô lữ
Đêm chắt chiu từng cơn lạnh heo may
Những thoáng nhớ chợt buông lời tình tự
Cho sầu vương trên ngàn nỗi u hoài.

Gío thì thào, lạnh tràn đêm vô lượng
Trong cô phòng nhật ký trải niềm thương
Ngàn dặm xa về ươm vùng mộng tưởng
Thả sương rơi vào giọt đắng hồ trường.

Mộng viễn vông lạc vào mùa canh thức
Sương trắng trời Tây. Đông thắp nắng đầy
Vẫn biết trường giang xuôi giòng biệt xứ
Mà vẫn mong chim Lạc ngược đường bay!

Tháng 12! Thắp tinh cầu vời vợi
Đen một màu hiu quạnh chốn tha phương
Chập chờn giữa điệp trùng bóng tối
Là đông miên niệm tấu khúc hoài hương.

HUY VĂN

Monday, October 11, 2010

Có buổi chiều Thu .

 
Có buổi chiều thu ngập nắng vàng
Bên đường Thống Nhất bước em sang
Có anh thơ thẩn bên trường Nữ
Say đắm nhìn em ước mộng vàng

Có buổi chiều thu bước thao trường
Bải Tiên chiều xuống nắng còn vương
Ba Làng , xóm Bóng thuyền xa bến
Chạnh nhớ về em buổi tan trường

Có buổi chiều thu ở Long Thành
Rừng cao su lá chẳng còn xanh
Dấu xích in trên đường lặng lẽ
Như dấu chân anh bước độc hành

Có buổi chiều thu qua Bình Dương
Chi đội sớm hôm lo mở đường
Anh có đêm buồn ngồi pháo tháp
Chép vội bài thơ gởi nhớ thương

Có buổi chiều thu lá ngập đường
Mang về kỹ niệm buổi tha phương
Nhớ ai nghe cả lòng xao xuyến
Từ độ ra đi bỏ phố phường

Thiên Chương Chi Đoàn 2/15 TK


Saturday, June 26, 2010

Gởi anh Huy Văn .


Anh rời Nha Trang về Dục Mỹ
Rừng núi sình lầy bước gian nan
Đất bùn phủ mặt mồ hôi đổ
Xào xạc giày sô dậm lá vàng

Tôi về Long Thành rời Đồng Đế
Bụi đỏ mờ bay dấu xích cày
Đại bác rền tai vùng tác xạ
Phiên gác từng đêm thuốc vàng tay

Anh lính mủ nâu về xứ Quãng
Sa Huỳnh , Mộ Đức bước chân qua
Đại Lộc , Duy Xuyên đêm phục kích
Quê tôi nay anh nhận làm nhà

Tôi lính mủ đen buồn lữ thứ
Bình Dương , Hậu Nghỉa chốn lạ xa
Tây Ninh , Biên Hòa đường quốc lộ
Vó câu biên trấn nhớ quê nhà

Anh viết bài thơ cho Đà Nẵng
Con đường góc phố quán cà phê
Nơi tôi đã có thời khôn lớn
Rồi đi biền biệt chẵng lần về

Tôi viết bài thơ cho Đà Nẵng
Từ trong nổi nhớ tuổi hai mươi
Và trong ký ức ngày xa phố
Xa cổng trường xưa vắng nụ cười

Xin cám ơn anh vùng kỹ niệm
Nhắc nhở một thời vội qua mau
Mai sau mình có về Đà Nẵng
Nâng chén rượu mừng buổi gặp nhau .

Thiên Chương khóa 8/72

Sunday, May 2, 2010

Những ngày đầu tháng năm 75

Nhặt vội điếu thuốc tàn trên bải biển
Hút vài hơi cho đở một cơn ghiền
Xác còn đây mà hồn ngở như điên
Không tổ quốc nhưng không quên nguồn cội
Không vết thương mà nghe đau nhức nhối
Chiều trên Guam hải đảo nắng ru buồn
Bà mẹ già ôm con mắt lệ tuông
Anh lính chiến không giày sô nón sắt
Cô em gái nổi buồn vương ánh mắt
Thương cha già em dại buổi tha phương
Mình bên nhau mà chẳng có quê hương
Người tị nạn với nổi buồn xa xứ
Mình chung nhau bốn ngàn năm lịch sữ
Bốn ngàn năm văn hiến chẳng phai mờ
Chiều hôm nay trên xứ lạ bơ vơ
Không ai biết ngày mai về đâu nửa
Đầu tháng năm về trên vùng đất hứa
Arkansas đồng ruộng rộng mênh mông
Không như miền Trung nắng cháy ruộng đồng
Cỏ hoang cũng vàng theo cơn nắng hạ
Bửa cơm nhà bàn ăn trong vội vã
Không đói lòng nhưng thiếu thốn tình thương
Cơm sấy cá khô nuốt vội bên đường
Ngày tháng cũ ấm hơi tình đồng đội
Nhớ chị Tư đôi dép mòn mãi lội
Trên con đường mình sánh bước bên nhau
Kể chị nghe những câu chuyện buồn đau
Cuộc tình cũ buồn phiền như nước mắt
Nhớ chị Rĩ trước hiên chiều nắng tắt
Kể chuyện anh vì tổ quốc hi sinh
Chị đem con vào Nam với gia đình
Rồi một sớm theo con tàu di tản
Tháng năm Bảy lăm ngày dài như tháng
Ba mươi lăm năm cơn mộng đêm đen
Gởi bạn bè và những kẻ thân quen
Những thương nhớ một thời không quên lãng

Thiên Chương CĐ 2/15 TK

Thursday, April 29, 2010

GỬI HƯƠNG LINH TỬ SĨ KHỐI TÌNH CHUNG


Buổi tàn xuân gửi đôi dòng tưởng tiếc
Thay hương lòng thắp muộn chốn viễn phương
Tôi: lưu vong, đang lữ thứ dặm trường
Bạn: miên viễn, ngày đêm ôm đất Mẹ.

Lửa tim hồng của một một thời son trẻ
Vẫn bừng bừng dẫu bóng xế thời gian
Trải hy vọng nối nửa vòng trái đất
Gom ánh quang chiếu rạng lối quay về.

Gảy gánh tang bồng, tan mùa cung kiếm
Mang nỗi nhục thân suốt kiếp đọa đày
Tôi ở phương này xa xôi trời biển
Nhớ bạn, thương quê, buồn đọng mắt cay.

Bạn nghìn thu ôm màu Cờ, sắc Áo
Hiển linh trong hùng sử rất liệt oanh
Tôi còn mãi bôn ba trong mưa bão
Của phù vân và hiện thực mong manh.

Cánh thiên di còn nặng mang thề hứa
Suốt đời còn nặng nợ với sơn khê
Lời tâm nguyện từ dạo còn khói lửa
Nay thành câu hoài vọng lúc nhớ quê!

Những trăn trở mang dấu hằn thương tích
Chập chùng theo bóng sắc buổi tà huy
Nhớ bạn xưa, nhớ quá lúc xuân thì!
Đành treo chén quan san trong...nhật ký!

Tôi: một mảnh đời trôi ngoài vạn lý
Bạn: thiên thu hòa tiếng gọi muôn trùng
Nâng một cánh hoa lòng màu chung thủy
Gửi hương linh TỬ SĨ khối tình chung.

HUY VĂN
(Để nhớ toàn thể anh linh Tử Sĩ một thời là Đồng Đội và Chiến Hữu BĐQ của tôi hiện còn an nghỉ đâu đó trên quê hương và trong vùng đất mang tên " Thương Tiếc " )

Tuesday, April 27, 2010

Tháng Tư ... gãy súng


Anh chưa hề thua trận
Anh chưa hề rơi gươm
Tháng Tư, anh gãy súng
Bỏ cuộc trong hờn căm.

Cuộc chơi đầy gian lận,
Tàn nhẫn và đau thương
Cuộc chơi đầy nước mắt
Nước mắt tràn quê hương

Cuộc chơi nhiều phản trắc
Đồng minh cũng bỏ rơi
Cuộc chơi đầy chết chóc
Chiến trường, anh lẻ loi

Tháng tư, anh gãy súng
Bóng tối ngập quê nhà
Hòa bình cho tan nát
Thống nhất tạo chia xa

Tháng tư, anh gãy súng
Miền Nam buồn xác xơ
Đổi đời, dân than khóc
Lầm than trên quê xưa

Bạn bè dăm bảy đứa
Lác đác tìm tin nhau
Coi ai còn, ai mất
Giữa cuộc đời hư hao

Tháng tư buồn da diết
Tháng tư, người mất nhau
Ngày tháng tư thật chậm
Đếm thời gian, lòng đau

Anh vẫn là hào kiệt
Hy sinh cho quê hương
Dù mang thân ngã ngựa
Anh vẫn còn tâm hồn !!!

Lê Văn Thắng (4/2010)

Saturday, April 17, 2010

CHUYỆN "NGỤY QUÂN NGỤY QUYỀN"


Nhớ hồi em học lớp hai
Cô cho bài toán nhớ hoài không quên
Tóan rằng lính "Ngụy" mười tên
Giết ba còn mấy thưa liền cô nghe
Chiều tan học em về hỏi má :
-- ""Cách mạng" gì ác quá má ơi!
Sát nhân đâu phải chuyện chơi
Con không thích toán giết người nầy đâu !"
Má âu yếm vuốt đầu con trẻ
Con ngoan ơi nhớ nhé đừng quên:
-- "Học trò kính dưới nhường trên
Học câu lễ nghĩa chớ nên học thù !"

Cha nhỏ bạn đi tù "cải tạo "
Mẹ ở nhà không gạo nuôi con
Nhỏ thôi cấp sách đến trường
Làm con của "Ngụy" trăm đường đắng cay!
"Ngụy" là gì em hay thắc mắc
Cô bảo rằng: "Là giặc hại dân
"Ngụy Quyền" với lại "Ngụy Quân"
Là phường bán nước buôn dân đấy mà!"

Nay khôn lớn em đà hiểu thấu
Ngụy chính là thảo khấu cường đồ
Chúng từ miền Bắc tràn vô
Mang tăng (tanks) Sô Viết dày mồ cha ông
Ngụy là bọn Minh, Đồng, Chinh, Duẩn
Dân không bầu chúng vẫn tiếm ngôi
An thân nhược tiểu, bầy tôi
Bái chầu trung cộng làm bồi nga sô
Ngụy là bọn tam vô độc ác
Ngụy là đồ thờ “bác” chém cha
Ngụy là Phiêu, Khải gian tà
Là Mạnh là Dũng, qủy ma hiện hình
Ngụy đem buôn dân mình khắp xứ
Buôn đàn bà, phụ nữ trẻ thơ …
Đài Loan, Hương Cảng bơ vơ
Nhớ về cố quận lệ mờ mắt cay !
Ngụy là lũ độc tài độc đảng
Là gian phường cộng sản tham lam
Dám đem Bản Giốc, Nam Quan
Bán cho tàu cộng cầu an cầu hoà

Công dân hỡi, QUỐC GIA lâm nạn
Hãy vùng lên diệt đám ngụy quyền
Diệt phường bán đất tổ tiên
Quyết tâm khôi phục hải biên, sơn hà !
Hương Sài-Gòn

Friday, April 16, 2010

NHATRANG , NƠI BẠN TÔI NẰM ĐÓ / HQ Trung Tá Hà Ngọc Lương


NHATRANG , NƠI BẠN TÔI NẰM ĐÓ

Kính tặng hương hồn gia đình
HQ Trung tá Hà Ngọc Lương

Tôi vừa về, từ nhà thầy cô Bùi Ngoạn Lạc. Tôi xuống thăm và hoàn trả cô Lạc quyển Tư Nguyên thi tập III cô cho tôi mượn mấy tuần nay. Khi ra về, thầy Lạc đưa tặng tôi quyển Đặc san Khánh Hòa - NhaTrang. Một người học trò cũ đã gởi biếu thầy cô hai quyển, thầy tặng lại anh Thể và tôi một quyển khi biết chúng tôi chưa có Đặc san Khánh Hòa - Nhatrang Xuân Quí Mùi 2003 vừa mới phát hành từ Houston, Texas.

Về đến nhà, tôi ra mail box lấy thư vào. Thật là vui khi thấy một Đặc san Khánh Hòa - Nhatrang nữa do một chị bạn gởi tặng, chị Hà Lan Nha. Trước đây một tuần chị Lan Nha phone nói chuyện với tôi . Chị nói sắp đến ngày giỗ người anh đáng kính của chị là Trung tá Hà Ngọc Lương. Chị cảm thấy buồn nên chị gọi phone chia xẻ với tôi. Lại một lần nữa, chị Lan Nha nói lời cảm tạ chúng tôi đãõ tẩm liệm chôn cất gia đình anh Lương tất cả năm người gồm vợ chồng con cái. Trung tá Lương đã bắn vợ con rồi tự sát tại Trường Sinh Viên Sĩ Quan khi toàn Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nhatrang đã di tản vào Sàigòn. Qua phone, tôi biết chị sắp khóc, tôi tế nhị lái câu chuyện sang hướng khác vui hơn.

Nhìn hình bìa in nhiều thắng cảnh NhaTrang trên Đặc san, lòng tôi bâng khuâng xao xuyến nhớ về quê hương ngày cũ. NhaTrang, nơi tôi sinh ra và lớn lên. NhaTrang, nơi đã gói tròn tuổi thơ và tuổi học trò đầy thơ mộng của tôi, với muôn vàn kỷ niệm tuyệt vời. Nhatrang, nơi tôi đã có mối tình tuyệt đẹp với một chàng sinh viên sĩ quan Hải quân khóa 12, Đệ nhất Song Ngư. Trong những chuyến hải hành, nếu chiến hạm bỏ neo tạm nghỉ bến Cầu Đá, chàng Thiếu úy trẻ tuổi mới ra trường phóng nhanh lên Phương Sài gặp tôi, cô nữ sinh đệ 1 ban C đang học tại trường Võ Tánh (lúc đó Nữ Trung Học chưa có lớp đệ nhất). Rồi hai đứa chúng tôi, tay trong tay, dạo chơi trên bãi biển cát trắng phau mịn màng. Chúng tôi nói cho nhau nghe niềm thương nỗi nhớ. Hai năm sau chúng tôi kết hôn và chúng tôi giữ mối tình đẹp đó mãi đến bây giờ.

Tôi đã chứng kiến ngày NhaTrang thất thủ. Tôi có ý nghĩ, NhaTrang ví như cô thiếu nữ hiền lành xinh đẹp đang rơi vào tay tên cướp bạo tàn. Tội nghiệp NhaTrang thơ mộng xinh đẹp của tôi! Tôi yêu mến NhaTrang như yêu mến người tình thủy chung muôn thủa. NhaTrang ơi, làm sao tôi có thể quên NhaTrang được với dường ấy kỷ niệm, dù tôi đã xa Nhatrang tròn 18 năm chưa một lần về thăm.

Sau ngày NhaTrang lọt vào tay bọn cướp, bao nhiêu biến đổi đau thương đến với dân NhaTrang. Tôi cũng trôi giạt theo giòng đời tận cùng đau khổ như mọi người.

Nhìn lại hình bìa với những thắng cảnh NhaTrang thủa nào, tôi xúc động thở dài.

Tôi tưởng tượng đi từ hướng cầu Xóm Bóng, qua Tháp Bà độ hai cây số là đến Đồng Đế. Đồng Đế có nhiều địa danh đáng ghi nhớ. Có Trừơng Hạ Sĩ Quan. Có thắng cảnh Hòn Chồng với biết bao kỷ niệm đẹp in sâu trong lòng tôi. Có Bãi Dương xanh ngắt một màu, suốt ngày reo vui hòa nhạc cùng sóng biển Hòn Chồng.

Đồng Đế có hai nghĩa trang nằm dọc hai bên Quốc Lộ 1 . Dãy bên trái có em trai tôi đang yên nghỉ. Em lìa đời sớm, khi còn rất trẻ. Có con gái của chúng tôi, Hà Tấn Thảo Nguyên, đang yên giấc ngàn thu, gần phần mộ của bác sĩ Hà Thúc Nhơn. Nghĩa trang bên phải có cha chồng tôi nằm yên vĩnh viễn, mặc cho giòng đời trôi chảy. Cách đó vài trăm thước về hướng đông bắc có một dãy năm nắm mộ thấp lè tè hoang vu đầy cỏ daị vì lâu ngày không ai khói hương săn sóc. Nơi an nghỉ ngàn thu của bạn tôi đó, gia đình Hải Quân Trung tá Hà Ngọc Lương & Lê thị Kỳ Duyên và các con.

Trước khi đi vượt biên hai ngày (19/5/84), anh Thể và tôi từ CamRanh ra nghĩa trang Đồng Đế thăm viếng và nói lời từ biệt với bạn tôi lần cuối. Nếu hồn anh chị Lương linh thiêng, xin phù hộ cho gia đình tôi đi trót lọt trên bước đường trốn khỏi ngục tù Cộng sản. Chúng tôi phải vất vả tìm kiếm mới nhận ra 5 nấm mộ mà 9 năm trước anh Thể và ông Khánh (anh của chị Lương) chính tay đào huyệt chôn cất họ. Năm nấm mộ giờ đây chỉ là năm nấm đất thấp lè tè hoang vu đầy cỏ dại. Tấm bảng gỗ viết bằng sơn hàng chữ “ NƠI AN NGHỈ CỦA GIA ĐÌNH HÀ NGỌC LƯƠNG & LÊ THỊ KỲ DUYÊN ” đã ngã xuống mục nát từ bao giờ vì đã trải qua gần một thập niên phong ba bão táp. Thì giờ qúa eo hẹp, phải về CamRanh cho kịp chuyến xe đò, chúng tôi không có thời giờ sửa sang săn sóc chỗ nằm cho anh chị Lương và các cháu được, tôi thương cảm đứng khóc mùi . Anh Thể thì cố nén xúc động, tay cầm nén nhang đứng trước mộ anh Lương thì thầm tâm sư. Tôi tế nhị đứng tránh ra xa. Sau đó, tôi thấy anh Thể đưa tay gạt nhanh hàng nước mắt đang chảy tràn trên má, trước khi cắm nén nhang xuống đầu nấm mộ anh Lương.

Tôi tin có sự phù hộ giúp đỡ của anh Lương nên gia đình tôi đã đi trót lọt. Chúng tôi được định cư ở Mỹ vào tháng 3/85, taị San Jose, California.

Đầu thập niên 1990, tôi được tin từ Việt Nam, bạo quyền Cọng sản ra lệnh giải tỏa san bằng 2 khu nghĩa địa Đồng Đế đểû xây cao ốc. Ai có thân nhân chôn trong 2 khu đất đó phải đào lên cải táng hay hỏa táng.

Tôi biết tất cả họ hàng thân nhân anh Lương đều ở Sàigòn. Sau ngày Sàigòn thất thủ, thân nhân anh chỉ nghe phong phanh gia đình anh đã tự sát taị NhaTrang. Họ tuyệt nhiên không biết anh tự sát bằng cách nào, ai chôn cất và chôn tại đâu. Sau đó vài năm có người em trai anh Lương, ra NhaTrang dò la tin tức về cái chết gia đình người anh ruột mình. Nhưng chú ấy chẳng biết hỏi ai vì vào thời điểm đó anh Thể bị bọn Cộng sản cầm tù tại A30, Tuy Hòa. Còn tôi sau khi sanh cháu bé, đã dọn vào sinh sống tại CamRanh. Chú ấy cũng chẳng biết thân nhân của chị Kỳ Duyên ở đâu để mà thăm hỏi. Đó là lý do 9 năm sau, chúng tôi đến viếng mộ anh chị Lương lần cuối , thấy 5 nắm đất thấp lè tè đầy cỏ dại , chứng tỏ đã lâu lắm rồi không người viếng thăm hương khói. Có thể gia đình ông Khánh (anh của chị Kỳ Duyên) đã dời chỗ ở hay bị bắt buộc đi vùng kinh tế mới, không còn ở NhaTrang, nên chẳng săn sóc mộ phần gia đình người em gái được. Hơn nữa, sống dưới chế độ Cộng sản, con người làm quần quật còn không đủ cơm ăn áo mặc thì tiền bạc và thì giờ đâu mà lo cho người đã chết. Thế nên tôi nghĩ hài cốt của gia đình anh chị Lương chắc đã bị san bằng làm nền cao ốc. Tội nghiệp 5 nắm xương tàn của bạn và cháu tôi !

Lui về sáng ngày 1/4/75 tại cư xá Lê văn Duyệt, NhaTrang.

Trung úy Gia đem xe về đón những gia đình nào chưa xuống kịp chuyến chiều hôm qua để di tản vào Sàigòn vì tàu sắp nhổ neo. Chỉ còn sót lại 2 gia đình. Gia đình Trung tá Hà Ngọc Lương và gia đình Thiếu tá Hà Tấn Thể. Với ngôn ngữ nhà binh ngắn gọn, anh Lương đã nói với anh Thể, khi thấy anh Thể và tôi đang đứng buồn bã trước nhà:

- Sao Thiếu tá và chị còn đứng đây chưa lên xe? Túi xách và các cháu đâu ?

- Gia đình tôi ở laị , không di tản, Commandant!

- Taị sao ?

- Như Commandant thấy đó nhà tôi mang bầu sắp đến ngày sanh, sợ chen lấn xuống tàu có thể nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con, không dám đi. Tôi không thể di tản khi không có vợ con tôi cùng đi.

Anh Lương nghe xong liền rút chùm chìa khóa trong túi ra quăng về phía anh Thể. Anh Thể chụp lấy. Cả hai không nói một tiếng nào. Trung tá Lương trong bộ quân phục, nhanh nhẹn nhảy lên xe ngồi bên cạnh tài xế. Tôi mang bụng bầu, cố nén xúc động, bước về phía cửa xe, đưa tay nắm tay chị Kỳ Duyên :

- Thôi, anh chị và các cháu đi. Nghe đồn chắc sẽ trung lập. Hy vọng sau này chúng mình sẽ gặp lại nhau.

Đó là lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện và siết tay nhau. Tôi đâu có ngờ tối hôm đó (đêm 1/4/75 rạng 2/4/75) gia đình bạn tôi tất cả 5 người đều chết thảm.Trung tá Lương đã bắn vợ con rồi quay súng bắn vào đầu tự sát. Anh Lương đã thề không đội trời chung với Cộng sản thì nay anh đã thực hiện đúng lời hứa. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao gia đình anh Lương lại ở trong phòng làm việc của anh, phòng Văn Hóa Vụ, trong khi Trung úy Gia lại có mặt ở Sàigòn.

Mãi đến sáng ngày 5/4/75 chúng tôi mới được một người lính Hải quân làm việc tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân NhaTrang tới nhà nói cho biết có gia đình một sĩ quan cấp tá tự sát tại phòng Văn Hóa Vụ. Anh Thể nghe vậy cấp tốc xuống đó xem ai. Anh Thể về, mặt còn in nét kinh hoàng:

- Gia đình anh chị Lương, em ạ!

Tôi òa lên khóc:

- Trời ơi! Sao laị chết thảm thế này! Anh chị Lương và các cháu ơi!

Sau một hồi ôm đầu suy nghĩ, anh Thể ôn tồn nói với tôi:

- Chúng ta phải chôn cất gia đình anh Lương thôi em ạ. Xác đang sình lên, sắp rửa thối ra, phải chôn ngay thôi. Anh biết thân nhân anh Lương đều ở Sàigòn. Nhưng bên chị Lương, có ai ở NhaTrang không em ?

Nghe đến đây mắt tôi sáng lên , tôi đáp nhanh:

- A, có! Ông ta tên là Khánh, đang dạy học ở Võ Tánh . Có lần chị Lương đã nói với em như vậy.

- Vậy thì tốt qúa! Em lo đi liên lạc với ông Khánh xem sao. Để ông Khánh cùng anh lo việc mai táng. Anh đi đặt mua 5 cái hòm đây!

Sau khi anh Thể phóng xe Vespa ra cổng, tôi cũng lên chiếc xe đạp mini phóng nhanh đi tìm nhà ông Khánh, quên mình đang mang thai gần đến ngày sanh.

Giáo sư Lê Quốc Khánh là một người đàn ông thể chất ốm yếu, nhưng tình cảm thì chứa chan. Sau khi nghe tôi tóm tắt trình bày vụ tự sát, ông Khánh òa lên khóc nức nở. Ông ôm đầu rên rỉ :

- Kỳ Duyên ơi, sao em lại bị chết thảm như vầy! Các cháu tôi có tội tình gì hở trời ! Chú Lương ơi, tuần trước chú chở vợ con đến thăm tôi. Chú nói nếu Cọng sản tràn vào, chú sẽ bắn vợ con rồi tự sát. Nhất quyết, chú không đội trời chung với Cọng sản. Cây Colt của chú, chú đã nạp đạn. Tưởng chú nói là nói vậy, ai ngờ chú làm thật! Thảm thiết qúa chú Lương ơi!

Tôi gạt nước mắt ôn tồn khuyên nhủ :

- Dù ông có than khóc đến đâu, anh chị Lương và các cháu cũng không sống laị được. Hãy nhìn vào thực tại, các thi hài cần được chôn cất ngay. Oâng nên xuống ngay Trung Tâm Huấn Luyện, phối hợp với nhà tôi lo việc chôn cất. Anh Thể tôi đang đi mua hòm chở xuống.

Trung tá Hà Ngọc Lương là một sĩ quan hào hoa, tuấn tú và tài giỏi. Anh là thủ khoa khóa 9 Sĩ quan Hải quân Nhatrang. Anh gốc người Bắc, giọng nói ngọt ngào trầm ấm. Sau khi được chính phủ gởi đi du học tại Mỹ hai năm về, anh được điều về Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân giữ chức Trưởng Phòng Văn Hóa Vụ. Thiếu tá Hà Tấn Thể vào thời điểm đó, giảng dạy 2 môn Hàng hải và Thiên văn. Anh Lương cùng họ Hà với anh Thể nhưng không cùng chung một huyết thống. Hai anh chỉ là bạn cùng binh chủng, cùng đơn vị, nhà ở gần nhau, nên hai anh thân nhau. Anh Thể thương anh Lương vì nết, trọng anh vì tài. Anh Lương thương mến anh Thể như thương mến một người bạn thân, như anh em trong nhà.

Chị Lương nhũ danh là Lê thị Kỳ Duyên. Chị là một phụ nữ xinh đep, thân hình chị mãnh mai cân đối. Chị dong dõng cao, duyên dáng như cô Kỳ Duyên trong cặp MC Nguyễn Ngọc Ngạn&Nguyễn Cao Kỳ Duyên mà chúng ta thường thấy trên video Paris By Night. Trong cư xá, chị và tôi chơi thân với nhau. Chúng tôi thỉnh thoảng sang nhà nhau chơi, tâm tình đủ thứ chuyện. Buổi chiều, sau khi làm xong bữa cơm chiều, chị em chúng tôi đem ghế ra trước hiên nhà, nói chuyện chợ búa thời tiết trong lúc chờ đón anh Lương và anh Thể đi làm về. Đám con chị và lũ con tôi chơi đùa với nhau bên cạnh các bà mẹ. Thật là hình ảnh hạnh phúc vui tươi đẹp tuyệt vời!

Lúc anh Thể chở 5 cái hòm tới Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân thì anh thấy căn phòng trống trơn. Hỏi ra mới biết bọn bộ đội tưởng xác chết vô thừa nhận, sợ dơ dáy truyền nhiễm nên đã đem chôn sơ sài trên mô đất cạnh bờ biển. Anh Thể bàn với ông Khánh đào xác lên, tẩm liệm rồi bỏ vào aó quan đem ra Đồng Đế chôn để anh chị Lương có được nấm mồ nằm cho ấm áp. Oâng Khánh thấy anh Thể hết lòng với bạn như vậy, mừng lắm đồng ý ngay.

Bà Khánh là một người đàn bà quyền biến khôn ngoan, lanh lẹ. Bà đi tìm thuê người đến giúp, nhưng chẳng ai nhận lời. Vậy là việc tẩm liệm chôn cất chỉ có anh Thể, ông bà Khánh và một cậu thanh niên nhỏ tuổi . Chắc hẳn là con hay cháu gì của họ.

Lúc đào xác lên đểå tẩm liệm, anh Thể thương mến và kính trọng bạn, nên anh quyết định chôn bạn mình theo nghi thức của một vị anh hùng chết vì bất khuất. Lúc bạn anh sống, chiến đấu cho lá cờ nào, binh chủng nào thì khi bạn anh nằm xuống phải được chôn theo màu cờ, sắc aó đó. Anh Thể về mở tủ nhà anh Lương, lấy bộ đại lễ trắng của binh chủng Hải quân đem xuống mặc cho bạn. Nhưng lúc đó xác anh Lương đã sình lên, quần thì mặc được nhưng cúc quần cài không được. Chiếc áo đại lễ có gắn nhiều huy chương trên ngực áo, anh Thể mặc vào cho niên trưởng anh cũng không vừa . Anh Thể đành đắp chiếc áo đó lên thi thể chiến hữu anh. Chiếc mũ “cát” cấp tá, anh trang trọng đội lên đầu người bạn cùng binh chủng với anh. Lúc đó Nhatrang đã rơi vào tay Cọng sản nên anh Thể không tìm ra đâu được lá cờ vàng ba sọc đỏ để phủ lên quan tài bạn.

Hôm đi chôn, năm mộ huyệt đào chiều hôm trước, đã đầy nước vì trận mưa tối hôm qua. Quan tài bỏ xuống cứ nổi lềnh bềnh. Anh Thể phải khấn vái anh chị Lương rồi đứng lên quan tài để quan tài thấm nước chìm xuống rồi mới lấp đất.

Trên dãy mộ mới lấp đất, anh Thể đóng tấm gỗ mang hàng chữ “NƠI AN NGHỈ CỦA GIA ĐÌNH HÀ NGỌC LƯƠNG & LÊ THỊ KỲ DUYÊN”. Trời gần tối công việc tạm xong, họ gạt nhanh những giọt nước đọng trên mặt. Họ chẳng cần biết đó là những giọt mồ hôi hay nước mắt. Chắc là cả hai. Mọi người buồn bã lủi thủi ra về.

Tập hồi ký “Lối Thoát Cuối Cùng” tôi viết từ năm 1985 sau chỉ vài tháng sau ngày định cư trên đất Mỹ. Nhưng vì nhiều lý do tế nhị, tôi không muốn gởi đăng đâu cả. Cho mãi đến giữa năm 2002 tôi mới gởi đăng trên tập san Đệ nhất Song Ngư kỷ niệm 40 năm thành lập khóa, để phổ biến cái chết anh hùng niên trưởngcủa phu quân tôi. Một chị thuộc gia đình Hải quân, gởi “Lối Thoát Cuối Cùng” in trên Đặc san Lướt Sóng cho chị Hà Lan Nha đọc vì chị ấy biết chị Hà Lan Nha là em gái anh Hà Ngọc Lương. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi không hề gởi “Lối Thoát Cuối Cùng” cho Lướt Sóng. Tôi đoán chắc các anh Song Ngư muốn phổ biến rộng rãi cái chết dũng cảm của Trung tá Hà Ngọc Lương nên gởi cho đăng trên tập san Lướt Sóng. Điều này cũng tốt thôi. Chị Hà Lan Nha sau khi đọc “Lối Thoát Cuối Cùng”, chị mới biết tường tận gia đình người anh ruột chị tự sát như thế nào, ai chôn cất và chôn ở đâu. Chị Hà Lan Nha xúc động qúa, lên World Net tìm chúng tôi để nói lời cảm tạ. Sau đó chị Hà Lan Nha và chúng tôi đã gặp nhau.

Lần đầu gặp chị Lan Nha, tôi nhận biết chị là em gái anh Lương ngay vì chị rất giống anh Lương. Khuôn mặt chị tròn phúc hậu, nụ cười tươi tắn và giọng nói dịu dàng ấm áp như người anh.

Trước khi đọc “ Lối Thoát Cuối Cùng”, chị Lan Nha chỉ nghe mơ hồ về cái chết gia đình người anh, vì chị rời Việt Nam khi Saigòn chưa thất thủ, ngày 28/4/75. Chị Lan Nha đã và đang làm cho Bank of America tại Saigòn, nên gia đình chị được chính phủ Hoa Kỳ bốc ưu tiên sang Mỹ. Phu quân chị, Thiếu tá Không quân Vũ Ngô Dũng, cũng được đi cùng vợ con. Nếu không, kẹt lại , chắc cũng phải 10 năm trong ngục tù Cọng sản vì anh là “giặc lái” chuyên lái F5. Anh Dũng vóc dáng cao lớn, mặt mũi trông rất “ngầu” như mấy tay cao bồi trong phim Mỹ. Khi đó biết đâu bọn “cái nồi ngồi trên cái cốc” chẳng ngứa mắt “bonus”cho anh 2 năm nữa cho tròn một giáp!

NhaTrang, nghĩa trang Đồng Đế, nơi bạn tôi nằm đó yên giấc nghìn thu. Ngày đêm tiếng xe chạy trên Quốc lộ 1 chắc đã làm cho bạn tôi bớt quạnh quẻ trong nhiều năm. Nay thì năm nắm xương tàn đó chắc đã bị san bằng để làm nền cao ốc. Nghĩ đến đây tôi không cầm được nước mắt.

NhaTrang ơi, gia đình bạn tôi đã gởi nắm xương tàn tại đó. Xin đất mẹ NhaTrang thương yêu ấp ủ những nắm xương đó cho đến khi tan biến vào lòng đất nghe. Xương thịt những người tôi thương mến này từ cát bụi mà có, nay hòa tan trong lòng đất cũng là điều tự nhiên thôi . Nhưng mà sao tôi cũng thấy buồn !

Với tâm trạng buồn thương tiếc nuối đó, tôi viết bài này coi như một nén nhang thắp muộn cho bạn tôi, nhân ngày giỗ thứ 28. Anh cũng là chiến hữu của phu quân tôi, anh đã tìm cái chết để khỏi phải sống chung với bọn Cọng sản tàn ác, thật là nghĩa khí anh hung! Tôi thật lòng kính phục anh. Thôi nhé, anh chị và các cháu nằm yên an nghỉ. . . . Mắt tôi lại cay cay đây rồi.

Nguyễn thị Thể-Lý