Sunday, June 21, 2009

Nhớ ngày Quân Lực


Năm Bảy Mươi Hai ngày quân lực
Quân Đội diển binh bên Sông Hàn
Tôi ở miền Trung cơn nắng bức
Cổng vào tuyển mộ bước hiên ngang

Năm Bảy Mươi Ba ngày quân lực
Tiểu Đoàn vào Sài Gòn diển binh
Tôi ở Nha Trang nghe rạo rực
Hát bản quân ca bước một mình

Năm Bảy mươi Tư ngày quân lực
Căn cứ Tám Hai pháo đạn thù
Tôi vẫn sống qua ngày khổ cực
Bạn bè yên giấc ngủ ngàn thu

Năm Bảy Mươi Lăm ngày quân lực
Tôi ở chốn xa tủi phận mình
Một thuở oai hùng trong ký ức
Chỉ là kỷ niệm kiếp nhà binh

Mổi năm tháng Sáu ngày quân lực
Đội chiếc mũ đen như màu tang
Tôi khoác lên mình đồ quân phục
Như hổ nhớ rừng dưới đồng hoang

Lê Chiến khóa 8/72

Friday, June 19, 2009

TẠ TỘI


Rừng lại gọi ta về trong tủi nhục
Núi thâm u trơ đá , lạnh sương mai
Xưa chinh y, nay cơm tù , áo ngục
Đoạn trường mang cay đắng nối u hoài .

Nắm cơm hẫm mỗi ngày hoà với muối
Nuốt nghẹn ngào trái khổ , nén buồn rơi
Rừng độ lượng , cho ta mầm dinh dưỡng :
Lá tàu bay , đọt dương xỉ , cầm hơi .

Đau như thể lửa thiêu trong lồng ngực
Nhói từng cơn như máu rỉ buồng tim
Vì tài hèn , sức mọn phải lặng im
Cho định mệnh trói tay vào lịch sử .

Thân cải tạo , trên đầu treo án tử
Đời tàn binh, cuộc sống đếm từng ngày
Sá gì vắt, muỗi mòng , hay thú dữ
Chỉ thẹn lòng không " da ngựa bọc thây " .

Mỗi nhát cuốc khai đất hoang mở lối
Là tiếng lòng dội mãi những đau thương
Tổ Quốc ơi , xin cúi đầu tạ tội
Vì sa cơ nên để mất quê hương.

Huy Văn.
(Tặng DƯƠNG HỒNG PHONG, TRẦN THIỆN VIỆT va HOÀNG CÔNG LỰC
để nhớ Nhà 2, Trại 4, HT /TA 14)

THÂN TA VẪN NỢ TRIỀN MIÊN


30 năm ! Đã 30 năm !
Thời gian trôi lặng lẽ, âm thầm
Ta vẫn gò lưng ,lầm lũi bước
Như hôm nào vừa mới hóa thân.
Ta hóa thân ta thành cỏ rác
Sau một năm cuốc đất , phá rừng
Một năm dâu bể và tan tác
Ngày ra tù , Trời , Đất rưng rưng.
12 năm thắp từng ngọn đuốc
Soi bóng đời ta , như bóng ma
Biển lửa hôm nào ta nhập cuộc
Vẫn cháy râm rang cõi ta bà.
Náng Hè thiêu đốt dòng hận sử
Mưa Thu lã chã giọt vắn, dài
Chớp mắt đã già thân lữ thứ
Chuyện vá trời biết tỏ cùng ai?
Nơi xứ người, cơm no, áo ấm
Mà sao lòng khắc khoải, chưa yên
Tâm còn động ,tình còn u uẩn
Bởi thân ta vẫn nợ triền miên.
Nợ xương máu những người đã khuất
Nợ núi sông trả mới nửa mùa
Nợ chồng nợ ! Đời trôi tất bật
Thẹn lòng khi nhớ chuyện xa xưa.
Huy Văn

CHUYẾN HÀNH QUÂN ĐẦU ĐỜI



Theo đơn vị hành quân vùng Châu Đốc
Mùa nước lên, lúa sạ ngập đầy đồng
Đi tìm giặc chỉ thấy toàn lũ chuột
Thèm chất tươi, thịt nướng thật ấm lòng .

Ngày ướt vớ, đêm mang giày ngủ võng
Sáng, trưa, chiều, tối cũng lấm bùn hôi
Đêm chờ sáng, Poncho trùm chống muỗi
Ướt triền miên, đời lính cực thì thôi !

Ngồi "Cua sắt" vượt rừng tràm, ruộng lỡ
Qua Tịnh Biên, Vĩnh Tế, xuống núi Dài
Rừng Thất Sơn một thuở đẹp liêu trai
Nay xơ xác, hoang tàn, trơ đất đá .

Máu lại đổ trên bụi cây, khóm lá
Đêm đổi quân, ngày đánh chốt, phá kiềng
Pháo, đạn, bom, mìn bẫy nổ liên miên
Địch cố thủ, hạ quyết tâm chống đỡ .

Chuẩn Uý "sữa" thét gào cho bớt sợ
Miệng "Xung phong!" mà bụng thắt từng hồi
Như khinh binh : cũng ăn đứng ngủ ngồi
Ôm lựu đạn thức trắng đêm trám tuyến .

Mùi tử khí theo khói đưa ,lửa quyện
Xác phơi mình chờ đêm xuống mang đi
Bài vọng cổ. Trời ơi ! Ai cất tiếng !
Xuống câu Xề nghe não nuột lâm ly !

Bịch gạo xấy một tuần chưa nhai hết
Thuốc vàng tay, cổ rát, nứt môi khô
Máu còn rơi, người còn quấn Poncho
Ôm ghì súng, mắt cay nhoà mỏi mệt.

Rồi cũng xong đợt hành quân gian khổ
Mừng cho ta, buồn cho kẻ không may
Tạm lìa xa chốn bom rơi, đạn nổ
Chào Thất Sơn, ta xuống núi hôm nay.

(Núi Dài, Thất Sơn, Châu Đốc Tháng 10-1973)

CHIỀU QUA VÀM CỐNG


Buổi chiều , mưa đổ trên sông vắng
Công voa dừng lại đợi chuyến phà
Bến Bắc chập chờn trong sương trắng
Một dòng trăn trở đục phù sa .

Chiều qua sông thoáng buồn se sắt
Mưa thấm Poncho , lạnh cõi lòng
Lạnh tràn lên mắt , lên thép súng
Lính trẻ xa nhà nhớ viễn vông .

Ta qua sông . Thì đang qua sông !
Mây mù giăng lối , trắng mênh mông
Mưa đọng hạt mềm trên nón sắt
Từng giọt rơi thầm vào hư không .

Con đò đẩy ngược để thả xuôi
Chòng chành sóng vỗ , lục bình trôi
Lính cũng phong trần trên vạn lối
Bềnh bồng như đám lục bình thôi !

Đường ra mặt trận vùng châu thổ
Mang dấu phù sa , lấm đất màu
Giày saut lết bết , mưa lầy lội
Mỗi bước chân qua , một nỗi sầu .

Tuổi trẻ thở dài vì chinh chiến
Chiều qua Vàm Cống thoáng chạnh lòng
Bên bồi , bên lở , sông vẫn đục
Cho đến bao giờ nước lại trong ?

(Tặng Khóa 57 Rừng Núi Sình Lầy)
HUY VĂN
(Trên đường vào Chi Lăng, Thất Sơn)10-1973

NHẬP TRẬN


Đường vào Nông Sơn hoang tàn mộ địa
Dấu ấn binh đao, lửa đạn ngút trời
Tử khí chập chùng giăng tỏa nơi nơi
Chờ nhập trận, Lính đăm đăm tay súng.

Hòang hôn trải mù sương vào thung lũng
Hay lửa thù đang thả khói tang thương?
Lệnh thẩm quyền: chờ bóng tối dần buông
Sẽ đột kích, phá kiềng, và diệt chốt.

Bạn cố thủ trên chiến hào núi Một
Chờ viện binh từng đợt đến giải vây
Gần mà xa khi khóm lá, bụi cây
Mang dấu vết địch quân đang ẩn nấp.

Ngăn tiếp viện, pháo địch rơi dồn dập
Lưới tử thần, lửa hỏa ngục bủa vây
Súng nổ dòn: lại chạm địch đâu đây
Theo “ Cua Sắt “, Lính từng hàng tiến bước.

Khu kỹ nghệ phồn vinh bao năm trước
Giờ ngổn ngang gạch vụn, đá rêu phong
An Hòa ơi! Hoang phế đến chạnh lòng
Nhớ quá đỗi , thời an bình, thịnh vượng!

Vượt đồi sim, bám địa hình, định hướng
Tháo ba lô, dàn tuyến, rải hàng ngang
Đêm dần buông, mờ ảo dáng ngụy trang
Lính chong súng, sẵn sàng chờ đột kích.

Đất tung tóe: pháo đạn cày tuyến địch
Giờ tử sinh, thời gian đếm trong lòng
Đèn cầy (*) thắp sáng trời đêm: hiệu báo!
Lính nhoài người vượt tuyến, thét : “ Xung Phong! “

HUY VĂN

Tuesday, June 16, 2009

Nha Trang _ Ta gặp lại em.


Ta trở lại Nha Trang

Ta về thăm Đồng Đế
Ba mươi sáu năm từ khi rời xa quân trường mẹ
Ta về đây với bao nỗi bồi hồi
Đứng trước cổng trường, nhớ kỷ niệm buồn vui
Nhớ đồng môn,

nhớ bạn bè,

nhớ chiến hữu ...

Nhớ ngày di hành, nhớ đêm nằm gác
Nhớ khu chiến thuật, nhớ bãi bắn, nhớ đoạn đường chiến binh
Nhớ bãi “ruồi” rù rì, nhớ bãi tiên, nhớ ba làng,
Nhớ bánh mì đường, nhớ canh cá mối

Ta đi lại vài đoạn đường lúc trước
Nhớ những lần chinh phục đỉnh hòn khô
Trong tình cờ ta gặp được em,
Một đuôi đạn đồng rỉ sét
Em là chứng tích của một thời oanh liệt
Đã làm nên những trang sử hào hùng

Có những thằng đỏ lon
Có những thằng nằm xuống
Cho tự do,

Cho tổ quốc

Cho dân chủ

Cho ấm no

Nhưng hôm nay, ta trở lại chốn xưa
Bằng thân phận một người không tổ quốc
Quân trường ấy, bây giờ thay chủ
Ta ngậm ngùi, lệ ứa ướt hàng mi
Dưới chân ta, viên đạn cũ đợi người
Em nằm đó nhìn biển dâu, thay đổi
Anh không còn “ngàn năm thao diễn nghỉ”
Em vẫn còn “xõa tóc đợi chờ ai”

Nha Trang, chân bước ngập ngừng
Mênh mông biển cả, chập chùng núi non!

Lê Văn Thắng
Nha Trang 6/2009

The Beret







Wednesday, June 10, 2009

Về Cali nhớ bạn



Tôi đứng bên nay Thái Bình Dương
Cali chiều nắng ấm soi đường
Nhớ bạn bè tôi người nằm xuống
Trong cuộc hành trình giữ quê hương

Có đứa vùi thây dưới Trường Sơn
Miền Trung mưa lạnh gió từng cơn
Chôn lấp vội vàng poncho phủ
Lạnh mải mồ hoang khóc tủi hờn



Có đứa hy sinh miền Cao Nguyên
Kontum bụi đỏ nhuốm hồn thiêng
Từng đêm vất vưởng về trong gió
Như oán hờn ai lỡ ước nguyền

Có đứa ra đi trận Bình Dương
Quốc lộ Mười Ba xác ngập đường
Không cổ quan tài hàng nến đỏ
Không khăn tang trắng thoảng mùi hương

Có đứa không về đến Cà Mâu
Cữu Long con nước chảy về đâu
Đạn pháo xẻ thân thành mảnh vụn
Máu thấm phù sa đất đỏ màu

Dăm đứa còn đây buổi hôm nay
Nâng chén rượu nầy uống cho say
Ngày mai mổi đứa đi mổi ngã
Nhớ bạn tôi buồn buổi chia tay .

Lê Chiến khóa 8/72 CĐ 2/15 TK
Ngày Đại Hội TGB nam Cali 2009


Chuyện về hai người lính.


Hàng năm, cứ mỗi độ gần đến ngày cuối Tháng Tư. Hình như có một cái điều gì đó thôi thúc tôi, dù vô hình nhưng rất mãnh liệt, nhắc nhở tôi phải tìm một cách gì, để nói, viết, hay kể lại về cái chết không phải một, mà là hai người lính, trong hàng ngàn người lính, đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến, một cuộc chiến đã tàn lụi từ lâu, từ lâu lắm rồi, mà tôi biết rõ. Nó như là một món nợ tinh thần mà tôi có trách nhiệm phải trả. Khổ một nỗi, tôi văn thì dốt, mà võ thì nhát, cầm cây bút lên mà ý tưởng cùn lụt. Chữ nghĩa hạn hẹp, văn vẻ chẳng ra làm sao! Nhưng không nhẽ, mình lại chẳng làm một việc gì? Mặc dù, những chuyện này, tôi đã đôi lần kể cho một vài người biết, nhưng không đủ, nên tôi xin kể ra đây chuyện về hai người lính, mà cả hai đều đã hy sinh! Các anh đã hy sinh vô cùng hào hùng, trong chiến đấu ở những ngày cuối Tháng Tư năm 1975.

Theo thiển nghĩ của tôi, chuyện về họ chẳng cần tô son, điểm phấn. Nét hào hùng tiềm ẩn bên trong cung cách hành xử của các anh khi chiến đấu chống lại quân thù. Tự nó, đã nói nên tất cả tính hiên ngang, anh dũng cùng phẩm giá cao cả của những người lính trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Không cần cường điệu, chỉ ghi lại, nói lên một cách trung thực, đã làm nổi bật nên hình ảnh của những người lính tuyệt vời. Vinh quang vĩnh viễn là của họ, do đó tôi xin kể về họ:

Người thứ nhất..

Trần Thanh Tài là con út trong gia đình, có tới hai người anh làm việc tại xã, ấp. Giả sử như khi đến tuổi đi lính, nếu mà Tài không thích nhập ngũ, cứ nằm nhà chơi. Cảnh sát có mở cuộc hành quân, có đi lùng sục, kiểm tra, có gặp mặt, thì do quen biết với các người anh và cũng do ai cũng biết Tài, vì phần đông cảnh sát ở quận, ở tỉnh, ít nhiều đều quen biết cả gia đình, chắc cũng chả ai nỡ dám bắt bớ hay làm gì Tài được. Hoặc nếu như muốn, hai người anh cũng có thể kiếm cho em một chân làm một công việc gì đó trong xã, ấp, ở nhà mà vẫn hợp lệ quân dịch.

Thế nhưng không, Tài muốn đi lính. Cản không nổi, cuối cùng, để dung hòa, ông anh làm Phó xã trưởng, phụ trách an ninh, đã đưa em vào lực lựơng Nghĩa Quân, đóng ngay trong địa bàn Xã Hố Nai. Vừa thoả mãn dúng nhu cầu đòi hỏi của người em, lại vì ở gần nhà nên dễ bề coi sóc bảo bọc nhau. Đã ở Nghĩa Quân, mà còn đóng quân ở cái Xã Hố Nai, lại còn có anh đỡ đầu nữa thì chắc chắn chữ thọ của người lính là Tài, có đến 99,99 phần trăm là thọ, dù cuộc chiến có kéo dài bao lâu đi nữa cũng kệ. Cả gia đình và những người quen biết đều nghĩ và yên trí như vậy.

Cũng cần phải nói thêm về binh chủng này một tí, sau năm 1965, theo nhu cầu, QLVNCH. Thành lập binh chủng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân thay thế cho lính Bảo An Đoàn và Dân Vệ (còn gọi là lính làng). Nghĩa Quân được thành lập ở cấp trung đội, được huấn luyện và trang bị vũ khí, quân trang, quân dụng tương đương với các đơn vị bộ binh, được kéo ra khỏi thôn ấp, điều động đi khắp vùng trách nhiệm của quận hay chi khu, được bố trí canh giữ đồn bót, hành quân phối hợp với các đơn vị bạn và trở thành người lính chuyên nghiệp hơn. Chỉ có chút khác biệt là họ được ở gần nhà, và chỉ có vậy thôi. Hình ảnh những người Dân vệ cõng con đi gác, hay vừa gác thôn xóm vừa làm công việc vặt vãnh trong làng đã biến mất kể từ ngày có các đơn vị Nghĩa Quân. Thế nhưng người lính Nghĩa Quân có tên Tài thì khác, nó không hẳn là lính, không ra dân, mà cũng chẳng phải lính kiểng.

Ngày ngày, Tài ở nhà, chạy qua bên nhà máy cưa của ông anh, coi công việc làm ăn phụ cùng đứa cháu gái. Ít việc thì đi chơi đâu đó, như là thục bida, chơi bài cào, cát tê gì đó cho hết ngày. Tối đến mới tham gia canh gác cùng tiểu đội, hay dùng xe nhà chở tiểu đội đi tuần tiểu trong xã cùng ông anh theo nhu cầu. Buồn buồn, ở nhà ngủ cũng chẳng sao! Tiểu đội có phải biệt phái, hay tăng cường cho các đơn vị bạn, ở các xã trong Quận như: Trảng Bom, Bàu Cá, Long Hưng, Long Bình Tân, Tài chẳng bao giờ phải tham gia. Nghĩa là Tài cứ tà tà làm một người lính không giống ai như vậy.

Một ngày, đúng ra là vào một đêm, cỡ 4 giờ sáng, Việt Cộng tấn công vào đồn Cầu Suối Đỉa, nơi đóng quân của trung đội, trong đó có Tài, cuộc tấn công bất ngờ, làm kinh ngạc nhiều người!! Nhất là Suối Đỉa nằm ở địa phận Xã Hố Nai. Nơi có tiếng là khu dân di cư chống Cộng số 1. Tài không hề hấn gì, nhưng đơn vị bị thương vong năm Nghĩa Quân viên. Đơn vị được bổ sung quân số, tổ chức lại, Tài được gửi đi học khoá chỉ huy với chức vụ Trung đội phó.

Làm phó lúc có lúc không? Tài không chiụ trách nhiệm gì nhiều ở chức vụ này. Cho nên ông anh không cho Tài giữ chức Trung đội trưởng hay Tiểu đội trưởng, mà là Trung đội phó, để Tài dễ dàng trong công tác. Tiểu đội biệt phái đi công tác, không có Tài, trung đội đi, Tài không muốn, ở nhà cũng được vì có Trung đội trưởng đi rồi. Nói chung, qua sự bố trí công tác, Tài chẳng phải lo lắng gì nhiều về trách nhiệm của mình. Chỉ có lo cắt đặt các tiểu đội đi công tác, tăng cường, canh gác, trực đơn vị và đi họp thay Trung đội trưởng. Tưởng như thế là đời binh nghiệp của Tài, sẽ kéo dài cho đến ngày giải ngũ, vẫn còn nắm chắc được hai chữ an toàn.

Sở dĩ tôi hơi dài dòng về Tài một tí là để qúi vị dễ hình dung về anh, người lính chẳng có gì đặc biệt, anh bình thường như mọi người lính khác, cũng vui đời, yêu sống, sợ chết như ai, chỉ vì làm trai thời loạn, anh khoác áo chiến y nhưng chọn ở lại bảo vệ hậu phương, cho đồng đội anh ngoài tiền tuyến chiến đấu, cũng là công việc của người lính nhưng nhẹ nhàng và an toàn hơn. Thế mà Tài đã tử trận, tử trận rất anh dũng, trong chiến đấu vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, chống lại cuộc xâm lăng của Cộng quân.

Nghe tin Tài tử trận! Làm mọi người sửng sốt và ngạc nhiên, người ta không ngạc nhiên về việc Tài tử trận, mà người ta ngạc nhiên là tại sao vào những phút cuối cùng ấy Tài lại không bỏ đồn? Không bỏ đồn, mà anh còn ở lại chiến đấu, anh tử thủ? Đành rằng trong chiến tranh, người lính tử trận là chuyện bình thường, rất bình thường, vì ai mà tránh khỏi hòn đạn, mũi tên! Nhưng cái chết của Tài thì hơi khác, vì những ngày cuối Tháng Tư, hay nói cho đúng hơn là những ngày cuối của cuộc chiến. Nhiều đơn vị trong Quân đội, chỉ nhận đựơc lệnh rút lui, không còn tác chiến, nên có nhiều người lính, đánh nhau đâu mải tận miền Trung vẫn rút về đến Sài gòn nguyên vẹn. Thế mà trong khi đơn vị Tài đóng quân ở một nơi an toàn tuyệt đối, lại là một đơn vị chưa có bao giờ tác chiến, người ta hay nói đó là thứ lính cầu an, lính kiểng, lính chết nhát và nghĩ rằng: Các đơn vị như vậy chắc địch chưa đến đã bỏ đơn vị mà chuồn, chứ đánh đấm gì nổi, nhất là những ngày sôi động của tháng 4 năm 75, và người ta đã lầm..

Khi Sư Đoàn 18 bộ binh rút khỏi Xuân Lộc, Long Khánh. Các Chi Khu Định Quán, Kiệm Tân di tản, ngả ba Dầu Giây bị cắt, đơn vị đóng quân ở ngã ba Sông Thao, Bàu Hàm, Hưng Lộc rút đi và cuối cùng Yếu Khu Trảng Bom không còn, thì Đồn Cầu Suối Đỉa trở thành tiền đồn cuối cùng còn lại của Miền Nam trên Quốc lộ 1 vào thời điểm ấy. Tiền đồn mỏng manh ấy lại được trấn giữ bởi Trung Đội BHA-20, một trung đội Nghĩa Quân, quân số chưa tới 30 người! So với cuộc chiến quy mô, 30 tay súng chẳng làm đựơc gì nếu như không có sự trợ lực của các đơn vị bạn! Vậy mà mấy ngày trước, đơn vị phải chứng kiến hàng chục, hàng trăm ngàn người, cả dân lẫn lính, lũ lượt di tản đi ngang qua đồn, nơi đơn vị có nhiệm vụ giữ gìn an ninh và hướng dẫn các đơn vị bạn về các vị trí trú quân mới. Do đó, các anh cũng được chứng kiến biết bao những khuôn mặt, lo âu có, thất thần có, hoảng sợ có và cả căm phẫn cũng có! Nhưng hôm nay, thì những khuôn mặt đó đã thưa thớt dần, hay nói cho chính xác là không còn ai nữa. Trước mặt đơn vị giờ vắng hoe, dân chúng sống gần đồn sợ giặc Cộng. đã bỏ làng xóm đi hết, các đơn vị bạn không còn, đơn vị anh thật lẻ loi, tuy cánh quân Bắc Việt chưa tới, nhưng một vài đơn vị địa phương Cộng Sản đang từ từ áp sát.

Trung Đội Trưởng Thụy lấy cớ về Phân Chi Khu họp, giao Trung đội lại cho Tài chỉ huy. Tài có cho anh em rút khỏi đồn lúc này chắc cũng chẳng còn ai phản đối, chẳng ai khiển trách, vì chung quanh đơn vị anh, không còn đơn vị bạn nào có thể yểm trợ hay tiếp cứu cho đơn vị anh được nữa! Tiểu Đoàn 6 TQLC. Đựơc bố trí trấn ngang từ Trường Bộ Binh Long Thành qua đến QL1, cũng còn nằm cách sau anh đến 2 km. Tình thế như vậy mà Tài đã không cho anh em rút đi. Ai cũng thắc mắc về quyết định này của anh, tại sao anh lại không cho anh em rút? Thuộc cấp của anh ai cũng lo lắng, nhưng vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp chỉ huy. Họ vẫn vững vàng tay súng tại các vị trí chiến đấu. Anh bố trí một tiểu đội giữ đường vào Ấp Tân Bắc, hợp cùng lực lượng Nhân dân Tự vệ, bảo vệ cho anh nếu như đơn vị phải rút khỏi đồn. Còn lại anh và đơn vị sẵn sàng trong tư thế tác chiến. Không cần lệnh anh vẫn tử thủ.

Toán quân tiền sát địch đã xuất hiện, chúng đã bắn lẻ tẻ từ xa nhắm vào đơn vị. Làm như chúng coi thường không muốn đánh, mà chỉ có ý bắn hù dọa. Ý đồ của chúng là làm cho đơn vị anh mất tinh thần, hoảng sợ mà tự ý bỏ chạy. Nhưng không, Tài không chạy và cũng không cho đơn vị bỏ đi, lại còn chờ cho địch đến gần hơn. Chúng chạy lờ ngờ thấp thoáng trước mặt, coi thường tất cả. Chúng nghĩ giờ này như không còn đơn vị nào của ta còn dám chống trả hay cản trở bước tiến chúng nữa. Khiến Tài cũng có chút tự ái của người lính, anh vẫn ra lệnh bắn trả, riêng anh với cây M 79. Anh thoăn thoắt đổi vị trí để dễ nhắm vào các nơi khả nghi để bắn. Anh đã gây thương vong cho địch và làm chậm lại bước tiến quân của chúng.

Một mặt anh cũng báo về Phân Chi Khu xin chỉ thị cấp trên và cũng xin yểm trợ cho đơn vị. Trong khi đó, địch sau một vài đợt tấn công thăm dò không có kết quả, chúng rất tức tối, vì gặp phải sự chống đối của một đơn vị mà chúng coi thường nhất! Giờ địch mới hiểu là lực lượng điạ phương của chúng không thể hoàn thành nhiệm vụ nhổ chốt Cầu Suối Đỉa. Nên chúng phải đợi quân tăng viện và cả súng nặng, đồng loạt mở cuộc tấn công áp đảo. Trước hỏa lực quá mạnh của địch, không có pháo yểm trợ, đơn vị khó lòng chống trả, trên cũng không thể gửi quân yểm trợ, và cho lệnh tùy tình hình, không giữ đựơc có thể bỏ đồn. Lúc này Tài thấy nhiệm vụ cầm chân địch đã hoàn thành, anh mới cho anh em rút. Anh dùng súng M 79 bắn chặn yểm trợ cho anh em. Khi chỉ còn lại mấy tay súng chót sắp rút ra khỏi đồn, anh vừa bắn, vừa ra lệnh và đôn đốc anh em rời vị trí. Còn riêng anh vẫn nghi binh chạy qua chạy lại các hầm để bắn. Cuối cùng, một trái B 40 bay tới trúng nơi hầm trú ẩn của anh, hầm xập và Tài đã hy sinh! Lúc ấy là 12 giờ trưa ngày 27 tháng 4 năm 1975. Cái chết của anh không có gì đặc biệt, nhưng nhờ sự chiến đấu ấy mà cộng quân bị chậm lại mấy tiếng đồng hồ, không tiến được qua cầu, nơi đơn vị anh có trách nhiệm trấn giữ. Và chúng chỉ qua được sau khi anh đã anh dũng hy sinh.



Người thứ nhì.



Khác với Tài, người thứ hai tôi xin kể ra đây, tôi mù tịt về anh, về đời tư của anh, cả cái tên anh để vinh danh anh tôi cũng không biết nốt! Chỉ biết anh mang cấp bậc Trung Úy Thiết giáp, đơn vị thuộc Lữ đoàn 3 (?). Liền sau khi đồn Suối Đỉa sắp mất thì đơn vị anh được điều động về, thế vào chỗ trống. Với một chiếc M 48 và 2 chiếc M 113. Anh cho bố trí đơn vị cách Cầu Suối Đỉa chừng hai trăm mét, nằm trong Ấp Tân Bắc, hai chiếc M 113 bảo vệ cho chiếc M 48 chỉa súng nhắm sẵn vào con đường độc đạo, chạy từ cầu Suối Đỉa lên. Chỗ này đặc biệt là một sườn đồi dốc đứng, khi làm đường số 1, người ta đã phải xẻ đồi thấp xuống để cho đường thoai thoải, đúng độ dốc mà xe cộ có thể chạy lên được. Do đó, mà nó giống như một cái khe. Xe nào muốn đi về Biên Hoà, Sài Gòn đều phải bắt buộc đi qua đoạn đường này, không có con đường nào khác thay thế được. Từ dưới dốc đi lên chừng hơn 100 mét có một khúc quẹo nhẹ. Anh cho chiếc M 48 nằm trong lề đường chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu xe tăng địch tiến vào khu vực tử địa do anh quy định.

Bố trí xong đơn vị trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, anh dẫn theo vài người lính đi quan sát địa thế, cùng tuần tra chung quanh nơi đơn vị đóng quân, định sẵn các kế hoạch tác chiến cho mọi tình huống, cắt đặt cho anh em canh gác, nấu ăn, nghỉ ngơi, xong đâu vào đấy, anh trở về xe ngồi hút thuốc nói chuyện cùng anh em binh sĩ.

Đang trong lúc chờ và đợi địch đến, anh nhận được lệnh trên, yêu cầu đơn vị anh di chuyển về vị trí khác, đây không biết là lần anh nhận lệnh di chuyển thứ bao nhiêu? Trong suốt hơn một tháng trời qua, đơn vị anh đã được điều động đi khắp nơi trong lãnh thổ của Quân Đoàn 3. Đi nhiều đến độ chiếc M 48 đã quá thời gian bảo trì mà chưa được đưa về quân xưởng bảo trì. Nhận được lệnh, anh hơi bất bình với cấp trên, tình hình chiến sự hết sức sôi động, mà đơn vị anh, thực sự chưa được đánh trận nào! Địch lại đang áp sát hậu cứ liên đoàn, chỗ anh đóng quân hiện thời chỉ cách hậu cứ có hơn 3 km chứ mấy? Đúng lúc đó Trưởng xa M 48 báo cáo chiếc xe không nổ máy được, không có thời gian để sửa chữa, anh cho lệnh phá hủy những vũ khí và các thiết bị quan trọng trong xe, mình anh lấy theo 3 cây M 72, rồi ra lệnh cho anh em theo hai chiếc M 113 di chuyển, anh ở lại, với một quyết định riêng cho mình, mặc cho anh em binh sĩ dưới quyền năn nỉ mấy, anh cũng không theo đơn vị di chuyển. Anh ở lại đơn độc chiến đấu với địch. Có một cụ già ở gần đó, vì già không đủ sức để bỏ đi, nên phải ở lại coi nhà, đã chứng kiến được từ khi đơn vị anh mới đến cho mãi đến lúc này, thấy vậy mới ra góp ý:

“Trung úy ơi, cơ trời vận nước, thời thế đã như vậy rồi, thôi Trung úy đi với anh em đi. Sống chết có nhau, với lại anh em binh sĩ cũng cần phải có người chỉ huy nữa chứ, Trung úy nghe tôi đi, mình chẳng còn đủ thì giờ để cứu vãn được tình hình nữa đâu.’’

Nghe thế anh điềm đạm trả lời cụ:

“Cám ơn cụ đã khuyên cháu, cụ cứ an tâm về nghỉ, cháu đã biết, cháu phải làm gì rồi.’’

Chờ cụ già đi khỏi anh vác súng đi đến đầu khe dốc ngồi, kéo mấy cây M 72 ở vị trí sẵn sàng và bình tĩnh ngồi hút thuốc chờ địch. Cụ già về nhà nhưng cứ băn khoăn mãi về người sĩ quan thiết giáp ấy, nên cứ để tâm theo dõi xem anh ta làm gì, sẽ làm gì? Do đó, mà cụ đã được chứng kiến hành động hào hùng, mưu lược, dũng cảm, anh hùng của Người Sĩ Quan ấy.

Cỡ hơn hai giờ sau, nghe như có tiếng xích sắt của bánh xe tăng địch, từ phía bên kia cầu vọng lại, chúng thận trọng chạy chậm qua cầu dọ dẫm, thấy không có gì khả nghi, chúng ra lệnh đoàn xe tiến tiếp. Vừa chạy đến đầu khúc quẹo, chiếc T 54 đi đầu thấy chiếc M 48 chĩa nòng súng nhắm thẳng vào mình, lọt vào kế nghi binh của anh, nó thắng lại, chưa kịp báo cáo hay phản ứng gì, thì một trái M 72 ở khoảng cách rất gần, nhắm nó phóng ra, không thể nào trật nổi, làm nó nổ tung bốc cháy, Là một sĩ quan thiết giáp, anh biết rất rõ những điểm yếu của từng loại chiến xa địch, do đó khi anh bắn lại ở khoảng cách gần như vậy, hỏi làm sao chúng có thể thoát nổi?

Sau trái đạn đầu tiên với kết quả đó, những chiếc chạy sau hoảng sợ, ngưng và lùi lại xa nghe ngóng. Cỡ 10 phút sau thấy im chúng lại cho lệnh một chiếc T 54 tiến lên, cũng đúng vị trí chiếc thứ nhất, chiếc T 54 cũng lập lại y hệt với sự cẩn thận hơn, chúng vừa chuẩn bị bắn chiếc M 48 hư, thì không còn kịp nữa, trái M 72 đã nổ ngay phần hiểm của chiếc xe khiến cho nó cháy theo. Không như lần trước bị bắn bất ngờ, lần này chúng đã chuẩn bị sẵn, phái tiếp một chiếc T 54 tiến lên nấp theo 2 chiếc xe đã cháy để bắn trả, nhưng vô ích thôi, vì linh hồn của chiếc M 48 đang ở trên đầu nó chờ đợi sẵn, và đã đưa nó theo cùng số phận của hai chiếc đi đầu.

Kể như lúc này anh có thong thả bỏ đi cũng còn kịp chán, vì địch bị một vố rất nặng, chưa làm ăn gì được mà cỡ chưa tới nửa giờ đồng hồ, chúng bị mất đến 3 chiếc xe tăng, phải mất bao công lao chúng mới còn giữ và đưa lọt được qua bao chiến trường từ miền Bắc vào. Giờ thì địch rất hoảng sợ, chúng gặp phải những người lính ngoan cố, chúng rút về bên kia cầu, cho bố trí đội hình, đợi bọn bộ binh đến tháp tùng, mở rộng hàng ngang. Lùng sục mới dám tiến lên. Trong khi đó anh vẫn ung dung ngồi rút thuốc ra hút, sau vài điếu, anh đứng dậy sửa lại quân phục, sau đó rút khẩu Colt 45 đã nạp đạn sẵn, tỉnh bơ đưa lên đầu anh bóp cò, anh đã hiên ngang tìm cái chết, để đền nợ nước, chứ nhất định không để lọt vào tay giặc.

Phải đến nửa giờ sau đó, địch thận trọng cho bộ binh tiến đến gần chiếc M 48. Chúng quan sát thấy chiếc xe nằm bất động, không có biểu hiệu gì là nó vừa bắn cháy của chúng đến 3 chiếc tăng. Cùng lúc có toán quân báo cáo, có một tên Trung úy (ngụy) nằm chết, trong tay hắn còn cầm khẩu súng lục, và bên cạnh hắn có 3 cái võ M 72, chỗ hắn nằm ngay bên trên đỉnh đồi, chỗ 3 chiếc tăng bị bắn cháy. Khỏi phải nói, bọn chỉ huy tức tối vô cùng, chúng đã lôi xác anh ra đường hèn hạ trả thù ngay cả với xác chết.

Chuyện về người lính thiết giáp ở trên do người dân ấp Tân Bắc, Hố nai kể lại. Ông kể cho tôi nghe, không biết bao nhiêu lần? Sau mỗi lần kể, ông vừa chép miệng, vừa gật gù thán phục, miệng cứ khen tuyệt! tuyệt! và cứ tiếc mãi về anh, người sĩ quan mưu lược, dũng cảm cùng ước ao: Giá như tôi biết viết thành truyện, để viết kể lại được câu chuyện này với mọi người thì hay biết mấy!!

Cụ Trùm ơi, hôm nay tôi thay cụ kể lại đây, chắc là cụ không còn được đọc nữa, nhưng chẳng sao, đã có nhiều người đọc thay cụ, để vinh danh anh, người anh hùng mà cụ đã kể cho tôi rất nhiều lần, chắc hẳn câu chuyện về anh đã nằm sâu trong tâm khảm của cụ biết bao ngày qua, kể từ ngày mất nước cụ nhỉ?

Hai câu chuyện trên tôi vừa kể rất thật, vì bạn đọc nào ở Hố Nai, chắc chắn cũng ít ra biết, hoặc nghe danh đến ông Trần Thu Lương, Phó Xã Trưởng phụ trách an ninh của Xã Hố Nai, và Tài là em ruột của ông, nhất là những người đã sống ở các ấp gần cầu Suối Đỉa, chắc ai cũng biết đến Tài.

Còn chiếc M 48, sau ngày 29 tháng Tư, tại Ấp Tân Bắc, ngay tại quán thịt cầy ông Ba Kiệm, ai có dịp đi ngang qua khu vực này đều đã nhìn thấy nó, sau đó đến gần 1 năm, chúng mới cho dời đi. Còn 3 chiếc tăng của địch chúng cho kéo dấu vào khu vực đường cây Mít Nài, bên trong sau Ấp Tân Bình. Dân ở đó ai cũng biết, và chính tôi cũng tận mắt nhìn thấy.

Những dòng chữ thô thiển này, được viết hôm nay là nhằm để vinh danh đến các anh, những người trai hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, trên các mặt trận, ở khắp mọi miền đất nước, để bảo vệ Miền Nam Tự do. Và tôi người chỉ làm cái công việc kể lại cho mọi người cùng biết về những tấm gương chiến đấu hào hùng của các anh, mà tôi biết rất rõ, như một nén hương lòng thành kính nhớ đến các anh, và viết được nó ra rồi thì tâm hồn tôi nhẹ nhõm, như là vừa trả xong món nợ, món nợ mà tôi đã thiếu các anh từ khi tôi được biết các chuyện này.

Melbourne, Ngày 30 Tháng 1 Năm 2002.

MX Trần Văn Minh.

Ghi chú: Bài này, Tháng Tư Năm 2006, trong loạt bài kỷ niệm Tháng Tư, đã được ông Quốc Việt phát thanh trên Đài SBS chương trình phát thanh toàn quốc của Úc châu. Sau đó, vào Năm 2007. Tôi gửi bài này để đăng trên Báo Người Việt tại Mỹ, và gia đình của người sĩ quan thiết giáp đã nhận ra nhân vật trong câu chuyện trên giống với thân nhân của mình, và gia đình đã liên lạc với tác giả bài viết và kể lại như sau:

Gia đình hiện sống tại Califonia nơi có tòa báo Người Việt, nhưng lại không đọc báo Người Việt, con gái cụ sống ở New York, vì sống xa người nhà nên lại mua Báo Người Việt dài hạn, nhờ đó chị đã tình cờ đọc được chuyện trên, người nhà đã kể lại như sau:

28 Tháng Tư, Năm 1975. Gia đình cụ sống tại Ngã Ba Hàng Xanh, cứ ngóng tin người con trai là trung úy Lê Văn Cao, tốt Nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Năm 1972 và về phục vụ trong binh chủng Thiết giáp. Bỗng thấy đoàn xe của đơn vị anh đi qua, người lính trên xe là thuộc cấp của anh thấy người nhà anh nên báo tin anh bị thương nặng, không về theo đơn vị được, xe chạy qua, tiếng được tiếng mất, người em anh lấy xe Honda đuổi theo hỏi cho rõ ràng hơn, nên được kể là anh bắn cháy 3 chiếc T 54 của Việt Cộng, rồi bị thương nặng, không kịp tải thương.

Nghe được như vậy, gia đình cứ lo đi đến các bịnh viện để tìm xem anh có được mang về nhà thương nào cứu chữa hay không? Sau Ngày 30 Tháng Tư, trên đường đi Long Khánh, khi đi qua chiếc xe tăng M 48. Cụ Lê Văn lần nào cũng xuống dò tin tức con, bên đường một ngôi mộ còn mới với cây thánh gía mà dân chúng đã chôn cất người sĩ quan ấy có hàng chữ Nguyễn Văn Cao. Thấy khác họ, cụ đã không nhận là con mình, để từ đó đến nay, hơn 30 năm đã trôi qua, cụ vẫn còn ngóng tin người con trai yêu dấu của mình, và hôm nay, đọc được chuyện này, cụ đã nhớ lại ngôi mộ xưa của con, mà nay ở quá xa, lại do tuổi già sức yếu, không thể về để tìm mộ con được.. Nhờ đó mà tôi biết người sĩ quan hào hùng này tên là Trung úy Lê Văn Cao. Dân Võ bị Đà Lạt ra trường Năm 1972.

Wednesday, June 3, 2009

Trận đánh chiến xa thần kỳ trên đỉnh núi Nhổ chốt đèo Chu Pao



Quốc lộ 14 nối Kontum và Pleiku là đoạn huyết mạch chiến lược cần phải giữ. Chi Đoàn 1/8 Thiết kỵđược giao giữ an ninh trục lộ và mở đường. Đường từ buôn Pleiboi, qua khỏi căn cứ hỏa lực 42 tới phía đông bắc của căn cứ hỏa lực 41 dưới chân núi Chu Pao. Qua khỏi núi Chu Thoi (đối diện núi Chu Pao, phía Nam quốc lộ 14 chừng 2Km là tới đồi Sao Mai rồi sau đó là tới Tân Phú. Đoạn đường đến đây là khá an toàn. Từ Chu Pao tới Tân Phú do Biệt Động Quân phụ trách.
Rừng núi âm u, sương mù lảng đảng phủ chụp quấn quít từng chiếc chiến xa mờ ảo. Mỗi sáng sớm, khi rừng xanh còn ngái ngủ, Chi Đoàn đã cho xe lăn xích rời vị trí, lục soát và an ninh đoạn đường trách nhiệm trước 8 giờ sáng cho đoàn xe tiếp tế lên Kontum. Thường thì việc mở đường và an ninh trục lộ do các đơn vị Địa Phương Quân đảm trách. Công việc nguy hiểm và nhàm chán, sáng đi, chiều rút... Thời gian lâu không có chi xẩy ra, anh em hay ỷ lại và coi thường. Từ đó, địch điều nghiên thói quen của các đơn vị mở đường để rồi có một ngày mưa bụi âm u, địch ra tay tấn công chớp nhoáng... Thường là đơn vị mở đường bị thiệt hại nặng trong tình huống bất ngờ đó.
Không theo vết xe cũ của các đơn vị bạn, tôi chỉ thị các Chi Đội luôn luôn thay đổi vị trí, đội hình phòng thủ an ninh cũng di chuyển luôn trong ngày. Và nhờ vậy, Chi Đoàn đã bảo toàn khả năng tác chiến và an ninh vùng trách nhiệm trong suốt thời gian cấp trên giao phó.
Cuối tháng 4. 1972, địch bất ngờ tập trung quân và hỏa lực tấn công và đánh bật đơn vị Biệt Động Quân trên đỉnh Chu Pao, rồi đào hầm hố, bám trụ, đóng chốt trên đó với đại bác không giật 75 ly, các loại cối và đại liên phòng không. Ý đồ của Bắc quân rõ ràng là cố ý cắt đứt quốc lộ 14, chận đoàn xe tại eo núi Chu Pao và Buôn làng không tên dưới chân núi để cô lập và cắt đường tiếp tế cho Kontum.
Khi xe dẫn đầu đoàn xe vừa tới chân núi Chu Thoi, đại bác, cối và các loại súng của địch từ trên đỉnh Chu Pao ồ ạt tác xạ tới tấp vào đoàn xe. Hai chiếc đầu trúng đạn bốc cháy, các xe đi sau phóng vào các rừng chồi cạnh đường để tránh tầm quan sát của các ổ tác xạ địch, đoàn xe ở giữa và cuối quay đầu lại chờ lệnh.
Nhìn lên đỉnh Chu Pao, tử thần như đang múa may, quay cuồng. Giữa cái âm u của núi rừng, giữa cái khét lẹt của súng đạn, viễn tượng Kontum bị cô lập chuẩn bị bước tiến quân kế tiếp của các sư doàn Bắc quân sau khi gây tổn thất nặng cho quân ta ở Tân Cảnh, Sư Đoàn 23 BB quyết định phá thế địch, lệnh cho Biệt Động Quân phải tái chiếm Chu Pao và Thiết Giáp phải bả o vệ đoàn xe bằng mọi giá. Nhận lệnh "Mặt Trời", hiểu được cái căng cứng của tình thế, ngước nhìn đỉnh núi lờn vờn bóng địch, tôi quay sang người hiệu thính viên:
- Cậu gọi Đại úy Chi Đoàn phó (Phan Chánh Hảo) gặp tôi gấp!
- Bravo! 51 gọi!
- Bravo nghe 51!
- Lệnh Alpha mời Bravo tới 51 họp!
- Nhận rõ 51!
Tôi gặp Phan Chánh Hảo, cho biết một số tình hình và chỉ thị của thượng cấp. Hảo chăm chú ghi từng chỉ thị ban ra
- Chi Đội 3 tăng cường thêm phân đội chiến xa chỉ huy, tiến lên ngang núi Chu Thoi, hướng đại bác lên đỉnh Chu Pao dập thẳng vào những vị trí đặt súng của địch khi chúng bắn xuống đường!
- Nhận rõ!
Hảo lui ra và chúng tôi phóng lên xe và tiến hành kế hoạch tạm thời bịt miệng tiếng súng địch. Khi chiến xa chúng tôi dàn trận di chuyển nhô ra khỏi vị trí, các loại hỏa lực địch từ đỉnh Chu Pao phóng xuống, và vị trí chúng bị lộ, chúng tôi dập tối đa hỏa lực đại bác và đại liên vào vị trí địch, dìm địch không ngóc đầu được, nhờ vậy, phần đầu của đoàn xe kẹt trong rừng thưa phóng được ra đường an toàn và hướng đầu về Pleiku. Chi Đội chỉ huy sau đó rút xuống phía Nam căn cứ hỏa lực chừng 2 Km, án ngữ bên kia con suối. Chi Đội 1 và 2 chia nhau giữ các khúc quanh nguy hiểm, chiếm các cao điểm chế ngự quanh vùng. Và sau đó, toàn Chi Đoàn cũng được lệnh rút sau khi đoàn công voa vượt khỏi khu vực trách nhiệm.
Đỉnh Chu Pao, nút chặn oan nghiệt, hiểm hóc lởn vởn bóng tử thần nhìn xuống quốc lộ 14. Đại tá Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư Đoàn 23 lòng như lửa đốt. Đại tá Đạt, hình ảnh con mãnh sư sa cơ trên vùng Tân Cảnh chờn vờn trong đầu ông. Biệt Động Quân không chiếm lại được đỉnh Chu Pao, Lý Tòng Bá, con mãnh sư còn lại trên Cao Nguyên đầy khói lửa, vùng vẫy không chịu bó tay, ông đập tay xuống bản đồ hành quân:
- Phải nhổ chốt Chu Pao bằng mọi giá!
Bộ Tư Lệnh SĐ23BB giao trách nhiệm nhổ chốt Chu Pao lại cho Trung Đoàn 45 BB và Chi Đoàn 1/8 Chiến Xa giữ nhiệm vụ yễm trợ hỏa lực, đồng thời án ngữ đoạn đường từ Căn cứ Hỏa Lực 41 tới núi Chu Pao. Được sự yểm trợ tối đa của không quân và pháo binh, Bộ Binh và Thiết giáp đã tấn công dữ dội các chốt kiên cố của địch trên đỉnh núi. Súng đạn vang trời suốt 7 ngày đêm, cái chốt ác hiểm này vẫn còn nằm nguyên trong tay địch. Những cơn gió núi vẫn thổi, sương mù vẫn giăng những sáng tinh sương, và tiếng súng địch vẫn còn thách thức. Bắc quân nghĩ chắc như nêm là các chốt trên đỉnh Chu Pao là thành đồng vách sắt, bất khả xâm phạm....
Sáng ngày 26.04.1972, khi các Chi Đội bố trí xong đôi hình thì bất ngờ có lệnh triệu tập ban tham mưu Chi Đoàn 1/8 Chiến xa. Phiên họp diẽn ra tại "Buôn không tên" dưới chân núi Chu Pao. Ngoài tôi ra, trong buổi họp còn có Đại Tá Nguyễn Văn Chà, Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 45 BB. Ban 3 Trung Đoàn báo cáo lên Đại tá Tư Lệnh Sư Đoàn về tình hình địch, tình hình bạn và và những khó khăn mà Bộ Binh đã phải đối đầi và không vượt qua được. Đại tá Lý Tòng Bá bóp trán. Ông xoay người nhìn khắp núi rừng, nhìn lên đỉnh Chu Pao, bỗng mặt ông nghiêm lai một cách cương quyết khi ông nhìn qua tôi, và như một thứ lệnh bất ngờ từ trên trời, vị Tư Lệnh Sư Đoàn nói như đinh đóng:
- Toàn thể gia đình Tài Lực 1/8 (danh hiệu Chi Đoàn trương 1/8) phải nhổ xong chốt Chu Pao nội trong ngày nay! Không cần đợi phi pháo!
Tôi choáng váng và bất ngờ:
- Thưa Đại tá Tư lệnh! Nhổ bằng cách nào
- Cho chiến xa leo lên đỉnh Chu Pao! Chi Đoàn sẽ sử dụng con đường mòn xe be kéo gỗ khi xưa ở hướng đông bắc Chu Pao để tiến lên đỉnh núi! Con đường không sủ dụng đã lâu đó nay đã ngập cây rừng nhưng chiến xa có thể càn qua được. Địch không thể ngờ ta dùng con đường này! Anh cho anh em thám sát ngay và hành động gấp cho tôi!
Sau khi nhận lệnh, tôi đờ người ra, đầu óc xoay tròn những ý nghĩ không có đáp số. Lần đầu tiên trong đời binh nghiệp với xích sắt, với chiến xa, tôi mới nghe và nhận một cái lệnh cho chiến xa leo núi tấn công địch. Cái này sách vở không dạy, binh pháp không thấy đề cập. Nếu vị Tư lệnh Sư Đoàn không phải là Đại Tá Lý Tòng Bá, một sĩ quan cao cấp kỳ cựu của binh chủng Thiết Giáp, đã từng du học về Thiết Giáp tại trường Thiết Giáp Saumur của Pháp và Fort Knox của Hoa Kỳ, có lẽ tôi đã từ chối chấp hành cái lệnh lạ đời này, và chấp nhận luôn hậu quả của việc ra tòa án quân sự. Nhưng không. Tôi không có sự lựa chọn nào khác. Tôi chấp hành lệnh.
Người tôi như lửa bỏng, tôi về Chi Đoàn đích thân lựa 5 binh sĩ gan dạ và nhanh nhẹn theo tôi đi thám sát địa hình con đường chuyển quân. Thầy trò chúng tôi âm thầm như những bóng ma, len lỏi trong rừng cây dưới chân núi, vòng về phí Đông ngọn núi, chúng tôi quả thật tìm ra được con đường mòn xe be kéo gỗ lúc xưa đúng như Đại tá Lý Tòng Bá đã nói. Vì chiến tranh, con đường trở thành hoang vu, không sử dụng, cỏ cây rừng mọc phủ xanh rì nhưng chỉ là những cây non không đủ sức cản chiến xa. Con đường này cộng quân không hề biết, không hề ngờ. Bây giờ tất cả là rừng bao phủ Chu Pao như một chiếc áo xanh lục, âm u theo tháng năm dài, theo những cơn mưa đổ trút xuống rừng xanh...
Từ chân núi lên đỉnh núi xa khoảng không tới một cây số, nếu là địa hình đồng bằng thì có thể không đầy 2 phút, chiến xa có thể phóng qua công sự phòng thủ địch, nhưng ở đây, trước mặt chúng tôi là con đường mòn dốc cao đầy cây rậm, ngoằn nghèo chữ chi khi lên dốc, có khoảng rất hẹp bên cạnh là vực sâu, chiến xa chạy không ngay hay lệch tay lái là có cơ rơi xuống vực. Sau khi thẩm sát và lượng định địa hình, chúng tôi xuống núi. Nhìn lại núi Chu Pao , một vùng núi rừng trùng điệp so vai chạy dài từ Đông Nam sang Tây Bắc theo quốc lộ 14 với đỉnh cao đầy hầm hố và các hốc đá ẩn chứa cả một Tiểu Đoàn Bắc quân đóng chốt để cô lập Kontum.
Tôi nghĩ bụng: "Tư Lệnh Sư Đoàn đã phóng mũi lao lên đỉnh núi thì mình phải theo lao, phải chấp hành lệnh." Đếm từng bước dài về lại Chi Đoàn, tôi cho họp toàn bộ sĩ quan để bàn kế hoạch đưa chiến xa M41 leo lên núi tấn công mục tiêu. Tiếng Tư Lệnh Sư Đoàn như còn văng vẳng bên tai tôi:"Phải nhổ xong chốt Chu Pao nội trong ngày nay! Không cần đợi phi pháo!" Khi mục tiêu được chỉ định, lệnh ban ra, hầu hết các sĩ quan trong Chi Đoàn đều kinh ngạc về sứ mạng hiểm nghèo này. Đại úy Hảo, Chi Đoàn phó phá tan bầu không khí nghẹt thở :
- Tại sao Alpha không từ chối cái lệnh quái ác này
Tôi trầm tĩnh nhìn hết anh em đang căng thẳng chờ câu trả lời:
- Xin anh em nhớ Đại tá Tư Lệnh Sư Đoàn là một sĩ quan Thiết Giáp lừng danh, kinh nghiệm trận mạc từ cấp nhỏ, ông có một cái lý nào đó khi ban lệnh. Chúng ta không có quyền từ chối lệnh này, mặc dù theo tôi, trước mắt chúng ta chỉ có khoảng 20 phần trăm hy vọng chiếm được mục tiêu! Anh em có ý kiến gì hay không?
Sứ mệnh vô cùng nguy hiểm, hầu như bất khả thi, nên mọi người im lặng, không một ai lên tiếng. Tôi nhìn hết anh em, tôi đảo mắt nhìn núi rừng và sau cùng, mắt tôi dán lên đỉnh Chu Pao. Rừng thiêng thúc giục, đỉnh cao thách thức, sứ mệnh là máu, là lửa, là đạn, là trách nhiệm đối với Tổ Quốc và có thể cũng là niềm tự hào: Lần đầu tiên trong chiến sử, chiến xa M41 tiến lên đỉnh núi giải quyết chiến trường. Tôi hít mạnh, buồng phổi căng ra, và cuối cùng, chính tôi chọn phương án tiến quân trong đầu: Hình thành một Chi Đội hổn hợp để làm mũi nhọn tấn kích mục tiêu địch, tất cả thành phần còn lại sẽ dàn quâ tập trung hỏa lực tối đa đổ lửa vào mục tiêu để đánh lạc hướng địch.
Công tác tấn kích trên đỉnh Chu Pao cực kỳ nguy hiểm, nên thành phần tham dự ngoài xe Chi Đoàn trưởng, Chi Đội trưởng Chi Đội trực còn kèm theo 3 xe tình nguyện. Tất cả thành phần còn lại, Chi Đoàn phó, theo kế hoạch, sẽ cho chiến xa bố trí trong rừng, sát phía Nam Quốc Lộ 14 với nhiệm vụ là hướng tất cả các loại súng lên núi, tác xạ tối đa vào mục tiêu khi Chi Đội vượt tuyến tấn kích trên Quốc Lộ 14 để leo lên núi bằng con đường mòn.
Phía sau núi Chu Thới có một bãi lầy chiến xa M41 không qua được nhưng M113 thì không trở ngại. Tôi lệnh cho 2 xe M113 của Chi Đội chỉ huy vượt qua bãi lầy, nối cáp dài kéo từng chiếc M41 qua bên nay bãi, sau đó, toàn bộ len lỏi trong rừng tiến về hướng Đông Bắc Chu Paọ Tôi chia đội hình và kế hoạch tấn công như sau:
- Chiến xa M41 mang số 21 do Thượng sĩ Tôn chỉ huy dẫn đầu có nhiệm vụ dò đường, mở đường và soi đường. Khi vừa tới đỉnh sẽ phóng chiến xa đánh thẳ ng tốc tới phía trước nơi vị trí địch đạt khẩu đại bác 75 ly không giật chế ngự QL14.
- Chiếc kế là chiến xa chỉ huy, khi tới đỉnh sẽ đánh tràn qua hướng Tây để bảo vệ sườn cho chiến xa 21 dẫn đầu.
- Chiếc thứ 3 là chiến xa M41 mang số 11, khi tới đỉnh Chu Pao sẽ vượt qua yên ngựa đánh thẳng về hướng Đông Bắc.
- Chiếc thứ 4 là chiến xa M41 của Chi Đội trưở ng Chi Đội 2, Trung úy Chính, sẳn sàng tiếp ứng khi có lệnh.
- Chiếc thư 5 là chiến xa M41 của Thiếu úy Chi, Chi Đội phó Chi Đôi 3, khi đến đỉnh phải vượt qua đèo yên ngựa cùng với chiến xa 11 mở rộng đội hình dồn địch xuống núi.
- Một Đại Đội của Tiểu Đoàn 4/45 tùng thiết do Đại úy Cẩm, Tiểu Đoàn Trưởng chỉ huy sẽ bám sát chiến xa để bảo vệ và đánh cận chiến với Bắc quân.
Từ tuyến xuất phát dưới chân núi che kín bởi rừng xanh, khi chiến xa số 21 vừa băng ngang QL14 thì từ những vị trí đã bố trí sẳn, Đại úy Hải cho lệnh khai hỏa tối đa lên đỉnh Chu Pao. Địch không hề hay biết gì về sự chuyển quân của toán xung kích đang âm thầm leo núi, mỗi phút một gang tấc gần về mục tiêu địch. Chiến xa chỉ huy theo sát xe dẫn đầu để rồi từng chiếc thay nhau mất hút trong rừng cây.
Là một tín đồ Công giáo, tin ở Chúa Ba Ngôi và Đức Mẹ Maria, tôi làm dấu thánh giá lần chót để cầu xin sự bình anh cho anh em trong những giây phút phải lao vào tuyến lửa, trước khi đoàn xe biến mất trong mầu xanh dày đặc của núi rừng. Từ giây phút này, đầu óc tôi căng thẳng, tôi quên tất cả Mẹ già, gia đình, quên anh chị em, quên những người thân thương, và quên đi cả bản thân mình, trong tâm trí tôi chỉ còn lại có một điều quan trọng sinh tử: "Phải đè bẹp địch ngay trong những phút giây đầu tiên khi phóng vào tuyến địch. Nếu không làm được chuyện này, tất cả anh em sẽ phải bỏ xác trên đỉnh Chu Pao, và chiến xa sẽ vùi chôn dưới vực thẩm oan nghiệt dưới chân núi."
Lối mòn lên đỉnh Chu Pao dài không tới một cây số mà hôm nay tôi tưởng nó kéo dài ra vô tận. Mười phút trôi qua mà tôi tưởng như cả đời người. Cho đến hôm nay, hơn 30 năm trôi qua, khi nhớ lại trận đánh kỳ lạ này, tuy vẫn còn những cảm giác hãnh diện và thích thú, nhưng dường cảm giác ớn lạnh trên tuyến đầu lửa đạn trong trận đánh vẫn còn chạy trên gáy tôi như mới vừa xẩy ra trên đỉnh núi ngày nào.
Nối đuôi nhau, âm thầm, trừ tiếng vang nhẹ của xích sắt, chiếc này bò theo chiếc kia, xích sắt chiếc sau lăn chính xác in đè lên vết xích chiếc trước, bộ binh tùng thiết in vết dày theo vết chiến xa. Tất cả đều đạn lên nòng, căng cứng, cẩn trọng khi đối diện với tử thần. Tử thần là địch, tử thần là mìn, tử thần là vực thẳm cận kề vết xích lăn của chiến xa, sai một ly là đi một dậm xuống đáy chân đồi.
Tiếng đại bác, đại liên qua lại từ dưới bắn lên, từ trên nả xuống kéo dài liên tục nhận chìm rừng núi trong một âm thanh điên cuồng, hổn loạn. Tiếng xích sắt chuyển động của đoàn chiến xa leo núi biến mất trong tiếng đạn nổ liên hồi. Chiến xa cứ bò lên, vượt thêm một đoạn nữa, tôi chợt thấy một phần của đỉnh Chu Pao, phần yên ngựa, nơi thấp nhất nối liền mõm núi phía Đông và rặng núi phía Tây. Tất cả hệ thống vô tuyến đều im lặng, gương mặt chiến binh lạnh lùng trên pháo tháp, lạnh lùng theo vết chân tùng thiết, chờ đợi một cuộc xung phong tập kích quyết liệt bất ngờ vào tuyến địch. Thời tiết trên đỉnh Chu Pao còn rất lạnh nhưng áo trận của tôi vẫn đẫm ưới mồ hôi.
Đứng trong vị trí của trưởng xa, khẩu đại liên 50 đã được nối với 5 thùng đạn. Một thùng lựu đạn được tháo khỏi hộp, sẳn sàng sử dụng khi chiến xa ủi thẳng tới hầm địch khi đại bác và đại liên không còn hiệu quả mà chỉ có lựu đạn và lưỡi lệ Bên phải tôi, Thượng sĩ Bào thuộc phân đội chiến xa chỉ huy mặt đanh lại, hai tay ghìm chặc khẩu đại liên 50 sẳn sàng nhả đạn. Tôi hồi hộp nhìn theo chiến xa dẫn đầu mang số 21, khoảng cách lên tới đỉnh núi một lúc một rút ngắn, tim tôi muốn vỡ tung trong lồng ngực khi chiến xa đầu vừa lên khỏi dốc. Bắc quân vẫn không hay biết gì về sự có mặt của những con cua sắt định mệnh trên đỉnh Chu Pao ngay sát nách hầm hố của các chốt. Bỗng Tôn hét trong hệ thống âm thoại:
- Mục tiêu hướng 12 giờ! Khoảng cách 50 mét! Bắn!
Tiếng đại bác và đại liên của xe đầu dệt thả m lửa vào các mục tiêu địch. Chợt hai tiếng nổ liền nhau từ hướng 3 giờ của xe mang số 21, nó bị khựng lại, tôi hét lớn trong máy.
- 21 lao thẳng vào mục tiêu! Để hướng 3 giờ cho tôi thanh toán!
Hai tiếng nổ tiếp theo, chiếc 21 bốc cháy. Ngay lúc đó xe chỉ huy vượt qua chỗ đất bằng, ép qua bên phải, đại bác và đại liên càn quét tất cả khu vực trước mặt, cây cối thi nhau rạp ngả, cách xe chi huy chừng 20 mét là khẩu đại bác 75 ly không giật đặt trên tảng đá cao quay nòng về xe chỉ huy. Trong gang tấc chết sống, tôi tung hai qua lựu đạn về hướng địch. Địch khai hỏa thẳng vào xe chỉ huy, đạn trúng bên hông pháo tháp, Bào bị thương, máu văng tung tóe vào mặt tôi. Tôi hét:
- Kéo Bào vào trong! Nạp thêm đạn!
Tôi chụp khẩu đại liên 50 đẩy gần hai thùng đạn vào vị trí khẩu 75 ly địch. Trong nháy mắt, ba chiến xa sau vọt tới, tôi điều động gấp rút qua âm thoại:
- 11 vượt qua yên ngựa, tấn công mục tiêu hướng 3 giờ! Chính số 2 phối hợp 11 mở rộng đội hình càn quét mục tiêu! 34 tấn công hướng trước mặt xe 21!
Lệnh ra như một cái máy. Các chiến xa nhận lệnh phóng ào vào mục tiêu và hướng chỉ định. Lúc này ta và địch sát nhau, có chỗ địch kẹt dưới hầm, chiến xa cán lên trên, có nơi địch và ta cài răng lược, cận chiến, đại bác, đại liên trở thành vô dụng, lựu đạn được dùng tối đa. Địch bám chốt cả một tiểu đoàn, quân dố quá đông, địa thế lại chật hẹp, khó xoay trở, mình tung lựu đạn xuống, địch tung lựu đạn lên. Tôi chụp máy hét:
- Cẩm cho con cái nhào vô tiếp sức gấp!
Liền đó, Đại Đội tùng thiết của Đại úy Cẩm từ mé rừng tràn vào hai hướng tấn công của chiến xa và một trận đánh cận chiến vô cùng hào hùng và ác liệt đã diễn ra. Lưỡi lê tuốt trần, lựu đạn nổ khắp nơi. Ta và địch quyện nhau trong trận tử chiến kinh người ngay trên đỉnh Chu Pao. Có bộ binh yễm trợ, Trung úy Chính, Chi Đội trưởng Chi Đội 2 tức tốc dẫn hai chiến xa tràn qua mõm bên kia của yên ngựa, nơi mà trước đó bộ binh sau gần một tuần quần thảo với Bắc quân đã không chiếm được. Giờ này, chiến xa và bộ binh đang cày nát từng công sự phòng thủ của địch. Cùng lúc đó, tại yên ngựa, chiến xa đã ủi sập một một số hần chữ A chống phi pháo của Bắc quân. Một số chết chôn tại hầm, một số còn sống không còn chỗ trú ẩn, tàn quân địch thoát chạy xuống triền phía Bắc của núi Chu Pao, liều mạng chống trả bằng B40, B41 và lựu đạn, nhưng cuối cùng đã bị đánh bật khỏi vị trí, bỏ của, bỏ vũ khí và xác đồng chí... để chạy lấy người. Trong đời binh nghiệp, chưa bao giờ tôi được chứng kiến và trực tiếp tham dự một trận đánh tuyệt vời của sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ binh và thiết giáp như lần này. Chiêu "nhị thức" ( bộ binh - thiết giáp) đã san bằng các chốt địch trên đỉnh Chu Pao, điều mà các tướng Bắc quân đã bàng hoàng và không bao giờ nghĩ tới. Làm sao, có sĩ quan nào trong binh sử nghĩ tới chuyện dùng chiến xa leo lên núi phá chốt địch?!
Đứng trên đỉnh núi, tôi ngẫng mặt nhìn trời, thầm nghĩ: "Chiến công này là của tất cả anh em! Là niềm vui của Chi Đoàn /18. Là niềm tự hào của quân lực, của Sư Đoàn 23 và của tôi!" Nhưng rồi, những vết máu của Thượng sĩ Bào khô lại trên mặt, trên áo chiến của tôi đã làm tôi đau xót về những thương vong, mất mát của thuộc cấp, của anh em thiết kỵ cũng như bộ binh trên đỉnh Chu Pao oan nghiệt mà suốt đời tôi cũng không thể nào quên. Lòng tự hào trong tôi, người lính tác chiến vừa hoàn thành nhiệm vụ khó khăn được thương cấp ủy thác, bị nguội lạnh và vơi đị
Chiến thắng nhổ nguyên một tiểu đoàn Bắc quân đóng chốt trên đỉnh Chu Pao đã giữ cho Kontum sống, đã làm buồng ngực của anh em thiết kỵ và Sư Đoàn 23 BB căng phồng niềm tự tin và tự hào, và điều này môt phần đóng góp cho chiến thắng trong trận ác chiến giải tỏa Kontum sau nàỵ..
Sau khi báo cáo kết quả trận đánh lên Sư Đoàn, Đại tá Tư Lệnh chỉ thị cho Tiểu Đoàn 4/45 BB ở lại giữ đồi Chu Pao, Chi Đoàn 1/8 Chiến xa rút vế Pleiku để nhận tiếp tế và vài ngày sau đó lại nhận lệnh di chuyển lên Kontum, để rồi trở thành đơn vị Thiết Kỵ duy nhất có mặt trong các trận ác chiến giải vây thành phố này
Chiếc trực thăng của Tư Lệnh Sư Đoàn quần trên vòm trời chiến địa. Đỉnh Chu Pao đã im tiếng súng. Cờ vàng ba sọc phất phới trong gió trên mõm đá một mà trước đó mấy giờ, 75 ly không giật của Bắc quân còn uy hiếp Quốc Lộ 14. Đại tá Tư lệnh Lý Tòng Bá gởi qua âm thoại lời khen và chào mừng anh em. Từ trực thăng, ông nhìn xuống những mõm đá tử thần trên đỉnh Chu Pao, niềm tự hào về cánh quân Thiết Kỵ của Chi Đoàn 1/8 tràn ngập tim ông. Ông nghĩ đến cái lệnh ban đầu phải nhổ chót Chu Pao bằng mọi giá, và anh em đã hoàn thành sứ mệnh trong một trận đánh tuyệt vời trong chiến sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông nói như để mình ông nghe: "Chú Vinh! Gia đình Tài Lực của chú số một!"
Lê Quang Vinh
(Edit: Hải Triều)
Ghi chú:
Báo cáo kết quả trân đánh lên Sư Đoàn:
Thiết Giáp:
- 1 chiến xa bị phá hủy.
- 2 tử trận.
- 4 bị thương.
Bộ binh:
- 7 tử trận.
- 12 bị thương.
Bắc quân:
- 30 tử thương bỏ xác tại chỗ.
- Một số chết bị chôn lấp dưới hầm sập không đào lên được.
- Thu 17 súng đủ loại, trong đó có 2 đại bác không giật 75 lỵ


Lê Quang Vinh
Khóa 19 VB Thủ Đức
Binh chủng Thiết Giáp. Chi đoàn trưởng Chi Đoàn 1/8 Chiến Xạ
Đơn vị và chức vụ cuối cùng: Thiết Đoàn Phó Thiết Đoàn 8 Kỵ Binh Thiết Giáp

Trích Tuyển tập "Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử" ra mắt tại Bắc Cali ngày 15/02/2003. Sách dày 420 trang bìa 4 màu, gồm 21 tác giả với 34 truyện/ký. Giá bán mỗi cuốn 25US ; sẽ trích ra 5US/cuốn để giúp đỡ anh em TPB/VNCH.
Liên lạc: nsvietnam@ỵ.. Chu Pao ai oán hờn trong gió Một tấc khăn tang, một tấc đường (Vô danh)

Monday, June 1, 2009

Đại Hội Kỵ Binh Nam California 2009



30 Thang 4


Tình hình chiến sự
Trong những năm từ 1973 đến 1975, CSHN đã rốc hết láng (lực lượng) vào canh bạc NVN vì biết chắc là HK sẽ không quay trở lại NVN.
Ngày 13/12/74: CSHN cho tiến hành chiến dịch Tây Nguyên. Khởi đầu là đánh chiếm tỉnh Phước Long gần biên giới Miên Việt. Cộng quân phải mất 20 ngày mới chiếm được PL. Tiếp theo đó là Cộng quân đánh chiếm Ban Mê Thuột (14/3/75); Tuy Hòa; Bình Ðịnh, Huế, và Ðà Nẵng.
Ngày 14/3/75: Trong buổi họp tại Cam Ranh, TT Thiệu đột nhiên ra lệnh cho Tướng Ngô Quang Trưởng bỏ Vùng I và các lực lượng QÐII/VIICT rút về Nha Trang_. Dường như sau này TT Thiệu có nói: ông bỏ những phần đất đó như là một hình thức “tháu cáy” trong canh bạc xì-phé với hy vọng là quân Mỹ sẽ quay trở lại! Thực tế, sự tháu cáy dại dột đó đã chỉ mở ra cơ hội tốt cho các lực lượng của CSHN được thể kéo rốc xuống phía nam uy hiếp các cửa ngõ vào Saigòn và đưa ra yêu sách là TT Thiệu phải chịu từ chức để cho Dương Văn Minh lên làm TT mà nhiệm vụ duy nhất của ông Minh là ra lệnh cho các lực lượng VNCH buông súng.



Ngày 9/4/75: CSBV tiến đánh Xuân Lộc, Long Khánh nhưng bị lực lượng SÐ18BB và Lữ Ðoàn 1 Dù đẩy lui.
Ngày 16/4/75: TT Thiệu tuyên bố “Chiến Thuật Co Cụm”, bỏ ngỏ Vùng Một và Vùng Hai để hy vọng HK trở lại.
Ngày 16/4/75: Tại Vùng Ba, LLXKQÐIII do Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi chỉ huy đã giao tranh dữ dội với Cộng quân tại Ngã Ba Dầu Giây vaø Höng Loäc, Tướng Khôi đã dùng 2 trái bom CBU-55_ để tiêu diệt khoảng một trung đoàn Cộng quân và giải cứu Chiến Ðoàn 52/SÑ18 của Ð.T. Ngô Kỳ Dũng.arvn_tank16
Ngày 20/4/75: Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh QÐIII, lệnh cho Tướng Lê Minh Ðảo bỏ Xuân Lộc rút quân về Long Bình, Biên Hòa và LLXKQÐIII trấn tại Dầu Giây-Hưng Lộc. Cũng trong ngày này, Ðại Sứ HK Graham Martin gặp TT Thiệu và yêu cầu ông Thiệu nên từ chức để sớm có thương thuyết với CS bằng chính phủ mới của DVM. Chiều ngày hôm đó thì Phan Rang lọt vào tay Cộng quân và Cộng quaân cũng cố tình xua cho dân chúng di tản để làm rối loạn tinh thần dân chúng ở Saigòn.
Trong thời gian từ 20/4/75 đến 30/4/75: Vùng 4CT tương đối yên tĩnh mặc dù một số lực lượng CS của Công Trường 4 CS cố gắng tấn công và pháo kích vào những điểm trọng yếu như Chi Khu Phong Ðiền, Phi Trường Trà Nóc, và Bình Thủy.
Ngày 21/4/75: TT Thiệu tuyên bồ từ chức theo lời khuyến cáo của Ðại Sứ HK, Graham Martin! Ngày hôm sau, Tướng Khôi viết thư gửi Trung Tướng Charles Timmes, phụ tá của Ðại Sứ Martin, đại ý nói rằng:

Thưa Trung Tướng,
Trong khi tôi đang ngăn chặn các sư đoàn CS tại đây thì cũng là lúc Quốc Hội HK đang thảo luận có nên tiếp tục viện trợ thêm 300 triệu Mỹ Kim cho QLVNCH hay không? Trong tình hình gần như tuyệt vọng, tôi nghĩ rằng dù cho ngay bây giờ Quốc Hội HK có chấp thuận viện trợ cho QLVNCH đi chăng nữa thì cũng đã quá muộn rồi. Tuy nhiên tôi và toàn thể quân nhân các cấp thuộc quyền tôi nguyện sẽ chiến đấu đến phút cuối cùng. Tôi chỉ xin Trung Tướng giúp cho gia đình tôi được di tản tới một nơi an toàn …
Ngày 25/4/75: LLXKQÐIII được lệnh rút về Biên Hòa dưỡng quân. Sư Ðoàn 18BB của Tướng Lê Minh Ðảo thay thế trấn giữ Trảng Bôm, Hưng Lộc vàø Ngã Ba Dầu Giây. Nhưng ngay chiều hôm đó, Công quân đánh Trường Thiết Giáp. Tướng Khôi cho Chiến Ðoàn 322 được tăng cường thêm 1 Tiểu Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến của Tr.T. Nguyễn Văn Liên ra đối địch. Cộng quân bị thiệt hại 12 Chiến Xa T 54 và 1 Trung dội bộ binh phải tháo chạy vào rừng cao su.



Ngày 29/4/75: Sáng ngày 29/4, có lệnh tăng cường thêm cho LLXKQÐIII Lữ Ðoàn 468 TQLC và Lữ Ðoàn 2 Nhẩy Dù và nhận lệnh bảo vệ Thành Phố Biên Hòa. Ðến trưa thì Tướng Toàn họp khẩn cấp tại BTL/SD18BB tại Long Bình chỉ thị: Tướng Lê Minh Ðảo giữ Long Bình và Xa Lộ Biên Hòa; Tướng Trần Quang Khôi phòng thủ TP Biên Hòa. Ngay khi vừa chỉ thị xong, bất thần Đại Tá Hiếu xuất hiện báo cáo Trung Ðoàn 43/SÐ18BB đóng tại Trảng Bôm bị áp lực Cộng quân phải rút vào Long Bình. Thực ra thì vào lúc đó, SÐ25BB đã bị đánh tan và Tướng Lý Tòng Bá đã bị bắt.baovethudo
Riêng khu vực Lai Khê được SÐ5BB của Tướng Lê Nguyên Vỹ bảo vệ, tình hình khá yên tĩnh. Nhưng sáng hôm sau khoảng 10 giờ 30, khi nghe T.T. DVM tuyên bố buông súng, Tướng Lê Nguyên Vỹ cho kéo cờ trắng. Sau đó, ông nghiêm trang chào quốc kỳ rồi trở về văn phòng tự sát.



Tóm lại, rõ ràng trong khoảng một tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư, 1975, Cộng quân đã chỉ dùng một số đơn vị nhỏ cầm chân lực lượng VNCH tại chỗ và tập trung các mũi dùi tấn công từ hướng đông theo hướng tây-nam, mượn Quốc Lộ 1 và Xa Lộ Biên Hòa tiến thẳng vào Saigòn lúc đó hầu như bỏ ngỏ, không bố phòng.
Ðể chặn đường tiến quân của QÐIV của Tướng Nguyễn Khoa Nam, Cộng quân đã đóng chốt tại vài nơi trên Quốc Lộ 4 thuộc Long An.
Từ Vũng Tầu về Saigòn, Quốc Lộ 15 bị cắt đứt giao thông bởi một đơn vị chiến xa của Cộng quân.arvn_soldier6
Tại Vùng 3, Lực Lượng Xung Kích QÐIII đóng tại Biên Hòa là đại lực lượng mà Cộng quân đáng e ngại nhất lại chỉ được lệnh phòng thủ Biên Hòa.
Tướng Khôi kể lại trong tập Danh Dự và Tổ Quốc, trang 11:
Vào khoảng 15 giờ ngày 29/4/74, tôi đang ăn cơm trưa với Bộ Tham Mưu trong tư dinh Tư Lệnh QÐ, thình lình có chiếc trực thăng của Tướng Toàn đáp xuống vườn hoa tư dinh, bên cạnh chiếc trực thăng chỉ huy của tôi. Thiếu Tá Cư Pilot vào chào tôi và báo cáo cho tôi biết: sau khi rời Long Bình, Cư đưa Tướng Toàn và bộ hạ ra Vũng Tầu, nơi đó có các Tướng Hoàng Xuân Lãm và Phan Hòa Hiệp chờ Tướng Toàn, rồi cả ba người cùng đoàn tùy tùng đáp tầu đánh cá ra hạm đội Mỹ ở ngoài khơi_. Tin Tướng Toàn bỏ ngũ không làm tôi ngạc nhiên. Thiếu Tá Cư xin ở lại với tôi. Tôi đồng ý.



Về phía Cộng quân, Thượng Tướng Hoàng Cầm, Tư Lệnh Quân Ðoàn 4 CSBV, kể lại trong nhật ký:

Ngày 29/4, ngay khi trời vừa sáng, sư đoàn 341 tiến công luôn với 5 xe tăng dẫn đầu, đập tan nhiều ổ đề kháng của địch. Mười giờ, đội hình sư đoàn tiến đến ngã ba Hố Nai đi Biên Hòa phải dừng lại vì gặp phải 4 tuyến hào phía trước, xe tăng không qua được. Súng nổ dữ dội suốt đêm từ phía Biên Hòa dội về sở chỉ huy quân đoàn và ở đó hỏa châu hắt lên một quầng sáng. Ðúng là trận chiến căng thẳng để đưa đội hình qua sông. Khu vực xẩy ra trận đánh ác liệt ở Ngã Ba Tân Hiệp. Ở đây cũng là một trận địa chống tăng với tuyến hào chống tăng vắt qua đường bao vây lấy căn cứ. Lúc ấy đã là 2 giờ sáng 30 tháng 4. Trời sáng mà không thanh toán được cái lá chắn này thì làm sao vào được Saigòn sớm?



Trận Chiến Cuối Cùng của LLXKQÐIII tại Biên Hòa

Ðể phòng thủ Biên Hòa, Tướng Khôi đã bố trí như sau:

Chiến Ðoàn 322 phòng thủ ở phía nam Phi Trường Biên Hòa và giữ Mạn Bắc Bộ Tư Lệnh QÐIII.
Lữ Ðoàn 468 TQLC giữ Mạn Nam TP Biên Hòa.
Lữ Ðoàn 2 Nhẩy Dù giữ Cầu Mới , Cầu Sắt Biên Hòa và các nút chận trên các đường xâm nhập vào Biên Hòa. Chiến Ðoàn 315 án ngữ Ngã Ba Xa Lộ Biên Hòa, giữ Mạn Ðông.
Chiến Ðoàn 318 àn ngữ từ cổng Phi Trường Biên Hòa đến Cầu Mới, chịu trách nhiệm Mạn Tây.
linhvnch_03
Khoảng 18:00: Cộng quân bắt đầu xâm nhập vào vị trí từ Mạn Bắc và Ðông Bắc đụng phải Chiến Ðoàn 322 và 315 và bị đẩy lui. Tình hình sau đó trở nên khá yên tịnh.
Khoảng 22:00 giờ: Tướng Nguyễn Hữu Có, phụ tá của TT Dương Văn Minh, gọi điện cho Tướng Khôi truyền đạt lệnh của TT Dương Văn Minh bảo vệ Biên Hòa cho tới 08:00 giờ sáng ngày 30/4/75 để ông ta nói chuyện với “bên kia” (!).
Khoảng 23:45 giờ khuya: Cộng quân lại bắt đầu pháo kích dữ dội vào thành Phố Biên Hòa và đồng thời tập trung một lực lượng gồm bộ binh và chiến xa tấn công vaøo hướng Bộ Tư Lệnh QÐIII. Chiến Ðoàn 315 xông ra chặn địch và Cộng quân phải rút lui.
Lúc 02:00 giờ sáng ngày 30/4/75: Tướng Lê Minh Ðảo báo cáo Phòng Tuyến Long Bình đã bị địch tràn ngập và lực lượng của ông đang rút về hướng Thủ Ðức.linhvnch_05
Lúc 03:00 giờ sáng: địch lại pháo kích dữ dội và chính xác hơn vào TP Biên Hòa. Ðoàn chiến xa của địch vừa xuất hiện đã bị bắn hạ và chúng tháo chạy ngược ra xa lộ Biên Hòa. Kể từ đó, TP Biên Hòa lại trở lại yên tĩnh.



Các Ðơn Vị Nào về Giải Cứu Thủ Ðô?

Ðúng 08:00 giờ sáng ngày 30/4/75, không liên lạc được với Bộ Tổng Tham Mưu, Tướng Khôi quyết định họp các đơn vị trưởng lại trao đổi tin tức. Tất cả cùng quyết định kéo quân về giải cứu Thủ Ðô.
Lữ Ðoàn 2 Nhẩy Dù do Tr.T. Nguyễn Lô chỉ huy tiến theo Ðường Sắt phía phải về Saigòn.
Lữ Ðoàn 468 TQLC của Tr.T. Huỳnh Văn Lượm tiến theo phía trái Ðường Sắt.
Lữ Ðoàn 3 KB và Liên Ðoàn 33 BÐQ tiến theo Xa lộ Biên Hòa về Saigòn.
Chiến Ðoàn 315 của Tr.T. Ðỗ Ðức Thảo tiến về Cầu Bình Triệu.
Chiến Ðoàn 322 của Tr.T. Nguyễn Văn Liên tiến theo sau Chiến Ðoàn 315.
Chiến Ðoàn 318 của Tr.T. Nguyễn Ðức Dương đi đoạn hậu sau các đơn vị yểm tro



Ðúng 09:00: toàn bộ lực lượng lên đường. Các ổ kháng cự dọc đường của địch đã bị đè bẹp nhanh chóng. Trong giờ phút chót này, Tướng Khôi kể lại, phi công lái trực thăng cho ông là Th.T. Cư (nguyên là phi công của Tướng Toàn) đề nghị đưa Tướng Khôi đi lánh nạn, nhưng Tướng Khôi từ chối. Từ trên trực thăng, Tướng Khôi nhìn đoàn quân xa, chiến xa, xe kéo pháo của Cộng quân đang bò vào Saigòn theo Xa Lộ Biên Hòa và Quốc Lộ 13.
linhvnch86
10:25 giờ sáng 30/4/75: Tướng Khôi nghe thấy lệnh buông súng tại chỗ của TT Dương Văn Minh và các cánh quân thiết giáp đã tới gần Nhà Thờ Fatima, Bình Triệu. Tướng Khôi tự chấm dứt quyền chỉ huy và để cho quân sĩ tự động tan hàng.linhvnch601

William Hoang

Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III ..





Trong 5 Ngày Cuối Cùng Của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam

Tình hình vào hạ tuần tháng 4-75 biến chuyển dồn dập. Áp lực ðịch ở mặt trận phía Ðông ngày càng nặng, tôi ðược Quân Ðoàn tãng cường Trung Ðoàn 8/SÐ5BB do Trung Tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng chỉ huy. Lực lượng ðịch và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III giằng co dữ dội trên tuyến Hưng Lộc – Ngã Ba Dầu Giây. Tôi buộc phải sử dụng hai quả bom CBU 55 của Không Quân Biên Hòa ðể chận ðứng ðịch và giải cứu Chiến Ðoàn 52/SÐ18BB của Ðại Tá Dũng khỏi bị tiêu diệt. Ở Sài Gòn có âm mưu lật ðổ Tổng Thống Nguyễn Vãn Thiệu, tôi ðược móc nối ðảo chánh nhưng cương quyết từ chối và tuyên bố chống lại. Phi trường Biên Hòa ðóng cửa.arvn_tank7

Ngày 20-4-75 SÐ18BB của Tướng Lê Minh Ðảo rút bỏ Xuân Lộc về Long Bình. Ngày 21-4-75, Tổng Thống Nguyễn Vãn Thiệu tuyên bố từ chức. Ngay ngày hôm sau, tại mặt trận, tôi viết thư cho Trung Tướng Charles Timmes, Phụ Tá Ðại Sứ Martin ở Sài Gòn, ðại ý nói: “Thưa Trung Tướng, trong khi tôi ðang ngãn chận các Sư Ðoàn Cộng Sản ở ðây thì cũng là lúc Quốc Hội Hoa Kỳ ðang thảo luận có nên tiếp tục viện trợ thêm 300 triệu Mỹ kim cho Quân Lực VNCH không. Tình hình gần như tuyệt vọng. Tôi nghĩ rằng cho dù ngay bây giờ Quốc Hội Hoa Kỳ có chấp thuận viện trợ cho Quân Lực chúng tôi ði nữa thì cũng ðã quá muộn rồi. Tuy nhiên tôi và toàn thể quân nhân các cấp thuộc quyền tôi nguyện sẽ chiến ðấu ðến phút cuối cùng. Tôi chỉ xin Trung Tướng giúp cho gia ðình tôi ðược di tản ðến một nơi an toàn…”

Sau khi SÐ18BB được nghỉ 5 ngày bổ sung quân số và dưỡng quân, ngày 25-4-75 Bộ Tý Lệnh Quân Ðoàn III ðiều ðộng ðõn vị này lên mặt trận Trảng Bom-Hưng Lộc-Ngã Ba Dầu Giây ðể thay thế Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III ðược rút về Biên Hòa dưỡng quân. Trung Ðoàn 9/SÐ5BB ðược hoàn trả về hậu cứ ở Lai Khê. Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III trở thành lực lượng trừ bị Quân Ðoàn.



Về tới Biên Hòa chưa kịp nghỉ ngõi, ngay chiều ngày 25-4-75, có tin lực lượng ðịch chiến trường Thiết Giáp và tiến ra hướng Quốc Lộ 15. Có lệnh Quân Ðoàn, tôi liền phái Chiến Ðoàn 322 tãng cường 1 Tiểu Ðoàn TQLC do Trung Tá Nguyễn Vãn Liên chỉ huy tấn công theo hướng Ngã Ba Long Thành-Trường Thiết Giáp. Chiến Ðoàn vừa rời Quốc Lộ 15 tiến về hướng trường Thiết Giáp, thì chạm ðịch nặng và giao trang dữ dội với chúng ðến khuya bắn cháy 12 chiến xa T-54 buộc chúng phải rút vào bên trong. Chiến thắng này làm nức lòng toàn dân ở Biên Hòa. Sau khi kiểm soát kết quả trận ðánh, Trung Tướng Nguyễn Vãn Toàn, Tư Lệnh Quân Ðoàn III hứa sẽ thưởng 1.200.000 ðồng cho các chiến sĩ có công diệt chiến xa ðịch, mỗi chiếc hạ ðược 100.000 ðồng



Ngày 29-4-75 có lệnh mới của Quân Ðoàn. Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III ngoài Liên Ðoàn 33 BÐQ, ðược tãng phái thêm: Lý Ðoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, Lữ Ðoàn 4 Nhảy Dù(- Tiểu Ðoàn) và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, yểm trợ hỏa lực trực tiếp có: Tiểu Ðoàn 46 PB 155 và Tiểu Ðoàn 61 PB 106 Quân Ðoàn.BE082302

12 giờ trưa ngày 29-4-75, Trung Tướng Toàn triệu tập một phiên họp khẩn cấp tại Bộ Tư Lệnh SÐ18BB ở Long Bình. Chỉ có Toàn, Ðảo và tôi. Anh chỉ tay lên bản ðồ ra lệnh cho SÐ19BB của Ðảo phòng thủ khu vực Long Bình và kiểm soát xa lộ Biên Hòa, kế ðó ra lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III của tôi phòng thủ bảo vệ thành phố Biên Hòa và ðặt lực lượng ÐPQ và NQ của Tiểu Khu Biên Hòa dưới quyền kiểm soát của tôi. Sau này ði tù tôi mới biết ngay lúc này phía bên khu vực SÐ25BB ở Củ Chi ðã bị ðịch chiếm, SÐ25BB ðã bị ðánh tan và Tướng Lý Tòng Bá ðã bị ðịch bắt. Nguyễn Vãn Toàn giấu tôi và Lê Minh Ðảo tin xấu này. Anh chuẩn bị sắp xếp ðể bỏ trốn.



Vừa nhận nhiệm vụ xong, tôi chợt thấy xuất hiện Ðại Tá Hiếu, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 43/SÐ18BB với giọng rung rung xúc ðộng, Hiếu báo cáo: quân địch ðang tấn công Trảng Bôm và Trung Ðoàn 43 BB ðang rút quân về hướng Long Bình, mặt Ðảo cau lại, Toàn nổi giận la hét Hiếu bắt Hiếu phải ðem quân trở lại vị trí cũ, Hiếu làm như tuân lệnh, chào và lui ra. Trong thâm tâm tôi, tôi biết là mặt trận phía Ðông Biên Hòa ở Trảng Bôm của SÐ18BB khó có thể cầm cự nổi vì SÐ18BB ðã bị kiệt sức sau trận ðánh lớn ở Xuân Lộc không ðược bổ sung. Sự sụp ðổ chỉ là vấn ðề thời gian. Giao nhiệm vụ cho tôi và Ðảo xong, Toàn ðứng dậy bắt tay hai chúng tôi và nói: “Hai anh cố gắng, tôi sẽ bay về Bộ Tổng Tham Mưu xin yểm trợ cho hai anh.” Xoay qua tôi, an h nói tiếp: Còn số tiền thưởng 1.200.000, tôi sẽ cho người mang ðến Lữ Ðoàn.” Ðấy là những lời nói cuối cùng của Tư Lệnh Quân Ðoàn III.U1756893

Về Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III, tôi liền họp các Lữ Ðoàn Trưởng, Liên Ðoàn Trưởng, Chiến Ðoàn Trưởng và các Ðơn Vị Yểm Trợ. Tiểu Khu Trưởng và Tiểu Khu Phó Biên Hòa ðã bỏ trốn từ nấy ngày trước. Trước hết, tôi ban hành lệnh thiết quân luật ở Biên Hòa kể từ 15 giờ 00 ngày 29-4-75, chỉ thị cho các ðơn vị Ðịa Phưõng Quân và Nghĩa Quân chung quanh thị xã Biên Hòa bố trí tại chỗ, ở ðâu ở ðó, không ðược rời vị trí, không ðược di chuyển. Cảnh sát Biên Hòa chịu trách nhiệm an ninh bên trong thành phố. Triệt ðể thi hành nguyên tắc nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ðể phòng thủ bảo vệ thành phố Biên Hòa, tôi phối trí Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III như sau :

- Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù : Bố trí trong khu phi trường Biên Hòa, giữ mặt Bắc BTL/Quân Ðoàn III.

- Lữ Ðoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến : 1 Tiểu Ðoàn bảo vệ BTL/Quân Ðoàn III, Lữ Ðoàn(-1 Tiểu Ðoàn) bố trí phòng thủ mặt Nam BTL/Quân Ðoàn III.

- Lữ Ðoàn 4 Nhảy Dù (-1 Tiểu Ðoàn) : Tổ chức phân tán thành nhiều Tiểu Ðội chiến ðấu nhỏ, giữ Cầu Mới Biên Hòa, giữ Cầu Sắt Biên Hòa và ðặt các nút chận trên ðường xâm nhập vào thành phố Biên Hòa.

- Chiến Ðoàn 315: Bố trí án ngữ từ Ngã Tý Lò Than ðến ngã Tư Lò Than (gần trại Ngô Vãn Sáng).

- Chiến Ðoàn 322: Bố trí án ngữ từ Ngã Tư Lò Than ðến cổng phi trường Biên Hòa (trừ bị 1).

- Chiến Ðoàn 318: Bố trí án ngữ từ cổng phi trường Biên Hòa ðến Cầu Mới Biên Hòa (trừ bị 2).

- Pháo Binh: Kế hoạch yểm trợ hỏa lực.

- BTLLÐ3KB/Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III: Ðặt tại tư dinh Tư Lệnh Quân Ðoàn III.

Vào khoảng 15 giờ 00 ngày 29-4-75, tôi ðang ãn cơm trưa với Bộ Tham Mýu trong tư dinh Tư Lệnh Quân Ðoàn, thì thình lình chiếc trực thãng chỉ huy của Tướng Toàn ðáp xuống bãi ðáp trong vườn hoa tư dinh bên cạnh chiếc trực thãng chỉ huy của tôi. ThiếuTá Cơ Pilot vào chào tôi và báo cáo cho tôi biết. Sau khi rời Long Bình, Cơ ðưa Tướng Toàn và bộ hạ ra Vũng Tàu, nơi ðó anh thấy có các Tướng Lãm và Hiệp chờ Tướng Toàn, rồi cả 3 người cùng ði bằng tàu ðánh cá ra Hạm Ðội Mỹ ở ngoài khõi. Tin Toàn bỏ trốn không làm tôi ngạc nhiên. Anh Cơ xin ðược ở lại làm việc với tôi. Tôi ðồng ý vì ðõn vị trực thãng của anh giờ này không còn ở Biên Hòa nữa.U1662703



Lúc 17 giờ 00 ngày 29-4-75, tôi dùng xe Jeep có hộ tống ði một vòng quan sát tình hình trong và chung quanh thành phố Biên Hòa. Tình hình chung có vẻ yên tĩnh, dân chúng không ra ðường, phố xá ðóng cửa. Vào khoảng 18 giờ 00, quân cộng sản bắt ðầu xâm nhập vào mặt Bắc và Ðông Bắc thành phố từ hướng phi trường ðụng với quân Biệt Cách Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Giao tranh bắt ðầu, 1 cánh quân Biệt Ðộng Quân của Chiến Ðoàn 315 cũng ðụng ðịch ở gần trại Ngô Vãn Sang. Ðịch bám sát vào tuyến phòng thủ mặt Bắc và Ðông Bắc của quân ta. Hai bên bám trận ðịa nằm cách nhau 10-15 mét. Cho ðến giờ phút này, quân ta chiến ðấu vững vàng tự tin. Không có tình trạng bỏ ngũ. Dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của hỏa lực Thiết Giáp, quân ta ðẩy ðịch ra xa tuyến phÍ ?ng thủ.

Lúc 20 giờ 00 tôi gọi trại Phù Ðổng ở Sài Gòn. Nơi ðây là Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp Binh và là nõi Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III vừa ðặt bản doanh. Có trả lời nhưng không một ai có thẩm quyền ðể nhận báo cáo của tôi hoặc liên lạc với tôi. Tôi gọi Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu, không có cách gì liên lạc ðược. Tôi nóng lòng chờ lệnh của Sài Gòn. Tôi tự hỏi Ðại Tướng Dương Vãn Minh, tân Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh Quân Ðội có giải pháp gì không ? Có lệnh gì mới cho chúng tôi không ?

Ðến 22 giờ 10 có chuông ðiện thoại reo, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có gọi tôi ở ðầu giây: “Tôi là Trung Tướng Có ðây, tôi ðang ở bên cạnh Ðại Tướng, anh cho chúng tôi biết tình hình ở Biên Hòa như thế nào? ” ” Thưa Trung Tướng, tôi giữ thị xã Biên Hòa, Lê Minh Ðảo giữ Long Bình, Toàn ðã bỏ chạy, phi trường Biên Hòa ðịch chiếm, áp lực ðịch rất nặng ở hướng Bắc và Ðông Biên Hòa.” 1, 2, 3 phút trôi qua, ở ðầu giây, Tướng Có nói tiếp” “Ðại Tướng hỏi anh có thể giữ vững Biên Hòa ðến 08 giờ 00 sáng mai, ðể Ðại Tướng nói chuyện với bên kia ðược không?” Tôi trả lời không do dự ” Ðược, tôi có thể giữ vững Biên Hòa ðến 08 giờ 00 sáng mai.” Trong máy ðiện thoại, tôi nghe vãng vẳng tiếng nói của Tướng Có báo cáo lại với Ðại Tướng Minh. Cuፊ ??i cùng Tướng Có nói: “Lệnh của Ðại Tướng cho anh: Chỉ huy phòng thủ bảo vệ Biên Hòa ðến 08 giờ 00 sáng ngày 30-4-75. Chúc anh thành công.” Tôi ðáp nhận.

Vào khoảng 23 giờ 45 khuya, ðịch bắt ðầu pháo dữ dội vào thị xã Biên Hòa, chúng tập trung một lực lượng hỗn hợp bộ binh chiến xa cấp Trung Ðoàn từ Ngã Ba Hố Nai – Xa Lộ tấn công về hướng Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III. Chiến Ðoàn 315 của Trung Tá Ðỗ Ðức Thảo xông ra chận ðịch. Hỏa lực chiến xa M-48 của ta áp ðảo ðịch. Giao tranh quyết liệt. Một số chiến xa ðịch bị bắn cháy. Ðịch rút lui.


Lúc 02 giờ 00 sáng ngày 30-4-75, Tướng Lê Minh Ðảo gọi tôi ở ðầu máy PC-25: “Báo anh hay tôi bị quân ðịch tràn ngập, Long Bình ðã bị chúng chiếm.” Tôi liền hỏi: “Anh hiện giờ ở ðâu? Có cần gì tôi không?” Ðảo ðáp: “Tôi hiện ở gần nghĩa trang Quân Ðội, ðang rút ði về hướng Thủ Ðức.” Tôi cảm thấy ðau buồn và tội nghiệp Lê Minh Ðảo vô hạn . Những nãm cuối cùng của cuộc chiến, tôi và Ðảo rất vất vả. Hai chúng tôi có mặt ở khắp các mặt trận, vì Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III của tôi là lực lượng cơ ðộng số 1, và SÐ18BB của Ðảo là lực lượng cơ ðộng số 2 của Quân Ðoàn. Trong tù, bọn cán bộ cộng sản rất ðể ý ðến hai chúng tôi vì ðã gây cho chúng rất nhiều tổn thất nghiêm trọng và chúng coi hai chúng tôi là hai tên chống cộng “ðiên cuồng” nhất.

Vào khoảng 03 giờ 30 sáng, ðịch lại pháo vào Biên Hòa, lần này chúng pháo rất mạnh và chính xác. Tôi ðoán chúng ðịnh tấn công dứt ðiểm Biên Hoà sau khi ðã chiếm ðược Long Bình. Tôi chuẩn bị sẽ tung cả 3 Chiến Ðoàn Thiết Giáp vào trận ðánh quyết ðịnh, nhưng thật bất ngờ, chúng vừa xuất hiện 1 ðoàn chiến xa dẫn ðầu, bộ binh theo sau, liền bị Chiến Ðoàn 315 ðánh chận ðầu và bọc sườn, chúng bèn rút chạy ngược ra xa lộ. Kể từ ðó, thị xã Biên Hòa trở nên yên tĩnh.

Ðúng 08 giờ 00 sáng ngày 30-4-75, tôi cố gắng gọi về Bộ Tổng Tham Mưu ðể liên lạc với Trung Tướng Nguyễn Hữu Có nhưng không ðưýợc. Tôi liền họp các Lữ Ðoàn Trưởng, Liên Ðoàn Trưởng, Chiến Ðoàn Trưởng và các Ðõn Vị Trưởng Yểm Trợ. Chúng tôi trao ðổi tin tức và thảo luận tình hình ở mặt trận, tình hình trong thành phố Biên Hòa. Áp lực ðịch bên ngoài không còn nữa. Chung quanh bên ngoài thị xã, chỉ có hoạt ðộng lẻ tẻ của du kích, bên trong thành phố vắng vẻ. Ðặc biệt ðêm qua, tôi có cho tãng cường canh giữ nhà giam Biên Hòa. Không có tình trạng dân chúng xuống ðường hô hào ủng hộ cộng sản. Tôi sung sướng nhất là thấy tinh thần của chiến sĩ ta rất tốt, không có tình trạng ðào ngũ. Tuyệt nhiên cũng không có tình trạng hãm hiếp cướp bÍ ?c trong thành phố, các sĩ quan thi hành quân lệnh nghiêm chỉnh. Trong ðêm qua có nhiều tốp lính bạn thuộc SÐ18BB rã ngũ ðịnh chạy qua thành phố, tôi ra lệnh chận lại, ðuổi họ trở ra, cưõng quyết không cho vào thành phố ðang giới nghiêm vì sợ có tình trạng gây mất tinh thần rã ngũ giây truyền như ðã xảy ra ở miền Trung trước ðây.lucluongthietkydu8

Bây giờ là 08 giờ 30 ngày 30-4-75, tôi kết luận buổi họp: “Biên Hòa không còn là mục tiêu tấn công của ðịch nữa. Tôi nghĩ rằng giờ này các lực lượng chủ lực cộng sản BV ðang tập trung tấn công Sài Gòn. Rõ ràng chúng bỏ Biên Hòa, dồn lực lượng ðánh vào Thủ Ðô. Chúng ta mất liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu. Bây giờ tôi quyết ðịnh kéo toàn bộ Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III về tiếp cứu Sài Gòn.” Tất cả các Ðõn Vị Trưởng ủng hộ quyết ðịnh này của tôi.

Tôi liền ban hành Lệnh Hành Quân và ðiều ðộng Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III tiến về Sài Gòn theo kế hoạch sau ðây: Lấy ðường xe lửa Biên Hòa-Sài Gòn và xa lộ Ðại Hàn làm hai trục tiến quân chính.

a) Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù + Lữ Ðoàn 4 Nhảy Dù (-1 Tiểu Ðoàn) do Ðại Tá Phan Vãn Huấn chỉ huy: Tiến bên phải ðường sắt hướng Sài Gòn. Ðến ngoại ô Bắc Sài Gòn, co cụm lại, bố trí bên phải ðường sắt, chờ lệnh.

b) Lữ Ðoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến do Trung Tá Liên (TQLC) chỉ huy: Tiến bên trái ðường sắt hướng Sài Gòn. Ðến ngoại ô Bắc Sài Gòn, co cụm lại, bố trí bên trái ðường sắt, chờ lệnh.

c) Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh + Liên Ðoàn 33 Biệt Ðộng Quân: Bố trí yểm trợ quân BCD, ND và TQLC rời vị trí phòng thủ, rút an toàn qua Câu Mới Biên Hòa trước. Sau ðó, lấy xa lộ Ðại Hàn làm trục chính, tiến về Sài Gòn theo thứ tự như sau:

- Chiến Ðoàn 315 do Trung Tá Ðỗ Ðức Thảo chỉ huy: Ði trước, ðến ngoại ô Bắc Sài Gòn, bố trí bên này cầu Bình Triệu, chờ lệnh.

- Chiến Ðoàn 322 do Trung Tá Nguyễn Vãn Liên (TG) chỉ huy: Ði sau CÐ 315, ðến ngoại ô Bắc Sài Gòn, bố trí sau CÐ 315, chờ lệnh.

- Chiến Ðoàn 318 do Trung Tá Nguyễn Ðức Dưõng chỉ huy: Ði sau cùng, ðến Sài Gòn, bố trí sau BTL và Ðơn Vị Yểm Trợ, chờ lệnh.

Trước khi lên trực thãng Chỉ Huy, tôi duyệt ðoàn quân lần cuối. Quân ta từ từ rời thành phố Biên Hòa trong vòng trật tự, trang phục chỉnh tề, tác phong nghiêm chỉnh, không hề nao núng, giống y như những lần hành quân trước ðây khi còn Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí chỉ huy xông trận trên chiến trường Campuchia. Lúc này là 09 giờ 00 ngày 30-4-75.



Tôi lên trực thãng Chỉ Huy của Tướng Toàn do Thiếu Tá Cơ lái, chiếc trực thãng Chỉ Huy thư hai bay theo sau. Tôi cho trực thãng bay lượn trên thành phố Biên Hòa, quan sát thấy tình hình bên dưới vẫn yên tĩnh. Các cánh quân ta vẫn tiến ðều ðặn về hướng Sài Gòn. Những ổ kháng cự, những chốt của ðịch dọc trên trục tiến quân của ta bị ðè bẹp hoặc bị nhổ nhanh chóng. Tôi ðang suy nghĩ và lo lắng. Tôi lo vì không liên lạc ðýợc với Sài Gòn, khi quân ta về ðến nõi, sợ quân bạn ở Biệt Khu Thủ Ðô bắn lầm. Tôi ðang miên man suy nghĩ cách ðối phó thì ðột nhiên Thiếu Tá Cơ hỏi tôi : “Thiếu Tướng có muốn ra ði không? Tôi sẽ ðưa Thiếu Tướng ði.” Tôi liền hỏi lại: “Còn anh thì sao?” “Khi ðưa Thiếu Tướng ði xong, tôi sẽ trở về, tôi sẽ ở lại với vợ con còn ở Biên Hòạ” “Cám ơn anh, tôi cũng ở lại với anh em. Tôi ðã quyết ðịnh việc này từ lâu rồi.”

Chúng tôi bay về hướng Gò Vấp, tôi biểu Cơ lấy cao ðộ. Xa xa phía dưới, tôi thấy những ðoàn quân xa chở ðầy quân, những chiến xa, những pháo kéo của quân cộng sản BV như những con rắn dài trên xa lộ Biên Hòa và trên Quốc Lộ 13 bò vô Sài Gòn. Hai trực thãng của chúng tôi ðáp xuống trại Phủ Ðổng nõi ðặt BCH TGB và BTL/Quân Ðoàn III. Tôi vội ði vào vãn phòng tìm sĩ quan trực. Tôi thấy các nhân viên vãn phòng chạy qua lại nhớn nhác. Tôi không gặp một ai có thẩm quyền, chỉ có 1 Trung Úy mang huy hiệu Quân Ðoàn III, tôi nói tôi muốn sử dụng ðiện thoại ðể liên lạc với BTL Biệt Khu Thủ Ðô báo cho họ biết gấp các cánh quân của tôi sắp về tới cửa ngõ Bắc Sài Gòn ðể tránh bắn lầm nhau. Tôi gọi nhiều lần, gọi một cách tuyệt vọng, không có ai ở ðፊ ??u máy trả lời. Rồi tôi gọi Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu, cũng không liên lạc ðưýợc. Lúc bấy giờ tôi nghe nhiều loạt ðạn pháo binh ðịch nổ ở hýớng sân bay TSN. Giờ này, các cánh quân Thiết Giáp của tôi cũng vừa ðến Bình Triệu gần khu nhà thờ Fatima.

Trong khi tôi ðang lúng túng trong việc liên lạc với BKTÐ và Bộ Tổng Tham Mưu, thì thình lình tôi nghe lời kêu gọi ngưng chiến ðấu của Tổng Thống Dương Vãn Minh phát ra từ một máy thu thanh ðâu ðấy. Tôi nhìn ðồng hồ tay: 10 giờ 25 phút.



Thế là hết . Kể từ giờ phút này, tôi tự chấm dứt quyền chỉ huy của mình và xem nhiệm vụ của LÐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III ðến ðây là kết thúc. Tôi ðể cho các ðơn vị tự ðộng buông vũ khí ðầu hàng theo lệnh của Tổng Thống. Tôi không có gì ðể nói thêm, chỉ thầm cám ơn tất cả các chiến hữu ðã cùng tôi chiến ðấu ðến phút cuối cùng của cuộc chiến và cùng tôi giữ tròn khí tiết của người chiến sĩ ðối với Quân Ðội và Tổ Quốc.

3. Quan Ðiểm và Kết Luận

Sau khi ngưng chiến theo lệnh của Tổng Thống Dương Vãn Minh, tôi bị ðịch bắt, truy vấn, tù ðầy 17 nãm và sang Mỹ nãm 1993 theo diện tỵ nạn chính trị. Mỗi nãm cứ ðến ngày 30-4, tôi ðọc ði ðọc lại nhiều bài viết của bên Cộng Sản cũng như của bên ta về cuộc chiến tranh Việt Nam. Có không ít bài viết lờ mờ hoặc viết sai về một số sự kiện trong cuộc chiến. Ðặc biết khi viết về Biên Hòa thì không có bên nào nói ðúng. Ai cũng biết Biên Hòa là vị trí chiến lược số 1 của MNVN, phi trường Biên Hòa còn là nõi ðặt bản doanh BTL/Quân Ðoàn III và V3CT, ðầu não của bộ máy quân sự miền Ðông. Biên Hòa là cửa ngõ quan trọng bậc nhất ở phía Bắc thủ ðô Sài Gòn. Ðể mất Biên Hòa là mất Sài Gòn, mất miền Nam Việt Nam.

Nhưng cho ðến bây giờ, tôi chưa thấy một tài liệu nào nói rõ về Biên Hòa trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh VN. Thế mà tôi vẫn giữ im lặng cho ðến ngày hôm nay, vì nghĩ rằng cuối cùng rồi sự thật lịch sử cũng ðược phõi bày. Vả lại khi viết về cuộc chiến tranh mà mình là nhân chứng trực tiếp, không khỏi phải nói nhiều rất nhiều về mình, cái mà tôi không hề thích vì như Pascal nói: “Cái tôi là ðáng ghét” (Le moi est haissable). Nhưng anh Nguyễn Minh Tánh ðã viết sai sự thật về LÐ3KB do tôi chỉ huy, ðã xúc phạm ðến DANH DỰ của chúng tôi nên tôi có bổn phận với những ngưỡi ðã hy sinh và những người còn sống, phải cải chính và nói lại cho rõ ðể không phụ lòng những chiến sĩ anh hùng ðã cùng tôi chấp nhận ở lại chiến ðấu ðến cù ng.

Những nãm ðầu trong ngục tù, cán bộ Cộng Sản luôn truy vấn tôi kịch liệt. Chúng làm tổng kết chiến trang ðể rút kinh nghiệm chiến trường, chúng ngạc nhiên trước sức chiến ðấu của LÐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III, ðặc biết chúng bắt tôi viết ðề tài Những nguyên nhân nào mà LÐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III do tôi chỉ huy không bị tan rã trước sức tấn công của Quân Ðội Cách Mạng.

Chính miệng chúng nói với tôi: “Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III là ðại ðõn vị duy nhất của Quân Ðội Sài Gòn chiến ðấu tới cùng cho ðến khi có lệnh ngưng bắn.” Chúng kể ra những thành tích chiến ðấu của Chiến Ðoàn 318 trên chiến trường Campuchia thời Tướng Ðỗ Cao Trí của LÐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III mà chúng gọi là những tội ác “Trời không dung Ðất không tha” và kết tội tôi ðã kéo dài chiến tranh nhiều nãm.ld3kybinh-1975-001

Chúng ðã chọn và ðịnh ðưa một số chúng tôi ra Tòa Án Chiến Tranh của chúng xét xử như những tội phạm chiến tranh nếu không có áp lực mạnh mẽ của Hoa Kỳ và Cộng Ðồng thế giới tự do cũng như của dư luận Quốc Tế lúc bấy giờ.

Tôi không hề ân hận việc mình ðã làm, không hề hối tiếc hay than van về những hậu quả mà mình phải gánh chịu sau khi bị bắt. Nếu phải làm lại từ ðầu, thì tôi cũng vẫn làm như thế. Tôi biết rằng làm như thế là tôi mất tất cả, mất tất cả trừ DANH DỰ.

Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi