Monday, March 23, 2009

Không như người chinh phụ .


Em không đan áo mùa đông
Như người chinh phụ gởi chồng năm xưa
Nên anh phiên gác chiều mưa
Poncho thấm lạnh đón đưa nổi sầu
Em không qua bến giang đầu
Như người chinh phụ qua cầu đắng cay
Nên anh nhớ lại những ngày
Tình ta đã chắp cánh bay mất rồi
Em không phai nhạt màu môi
Như người chinh phụ đơn côi đợi chồng
Nên anh buồn những đêm đông
Con đò thiếu khách bến sông vắng người
Em không khô héo nụ cười
Như người chinh phụ nhớ người đi xa
Nên anh những buổi chiều tà
Ngồi trên pháo tháp thương nhà nhớ quê
Em không gởi gấm câu thề
Như người chinh phụ buổi về đợi ai
Nên anh chiến trận miệt mài
Ngở ngàng định mệnh an bài nhớ em

SVSQ Lê Chiến khóa 8/72

Saturday, March 14, 2009

Người em gái nhỏ .


Tôi có người em gái nhỏ
Nhẹ nhàng chân sáo bên thềm
Má em hồng như phượng đỏ
Rộn ràng biển nắng chiều êm

Từ khi tôi là lính chiến
Nẻo xa heo hút quân hành
Rừng không xanh màu nước biển
Nhưng cùng áo trận màu xanh

Tôi có người em tóc ngắn
Bên trường Nữ dáng ngây thơ
Thẹn thùng vành môi nhẹ cắn
Em buồn tóc cũng ngẩn ngơ

Từ khi tôi rời xa phố
Biên cương vang tiếng súng thù
Chiến xa về trong đạn nổ
Kiêu hùng lính trận biên khu

Tôi có người em gái nhỏ
Vắng tôi ai đón em về
Ở đây mưa rừng lộng gió
Nhớ em ngày buồn lê thê

SVSQ Lê Chiến khóa 8/72

Monday, March 9, 2009

Để tưởng nhớ người hùng Biệt Kích Hoàng văn Hồng


Gia đình bên nội tôi ở thôn Mỹ Đông , phía nam sông Vu Gia và bên kia sông là quận lỵ Hà Nha, nằm về phía đông của quận Thường Đức. Vào khoảng năm 1950 cho đến năm 1952, quân đội Pháp đồn trú từ Ái Nghỉa , quận Đại Lộc di chuyển theo liên tỉnh lộ 14 về Hà Nha rồi vượt qua sông Vu Gia để truy lùng Việt Minh , đa số những cuộc ruồng bố nầy không đem lại kết quả khả quan cho quân đội viễn chinh của thực dân Pháp, lực lượng Việt Minh rút vào rừng sâu theo nhiều ngã đường về thôn Hiên và Giằng dưới chân rặng núi Trường Sơn, những người dân hiền lành ở đây cũng gánh gồng, gom góp tất cả những gì quí báu trong gia đình và con cái di tản vào trong rừng sâu. Chờ đợi quân đội Pháp rời khỏi làng thì trở về để xây dựng lại những đổ vỡ hoang tàn. Vì sau khi không tìm được lưc lượng Việt Minh , quân đội Pháp với đa số lính Lê Dương [người da đen ở Phi Châu] đốt nhà, tàn phá mọi xây cất còn tồn tại trên mặt đất và cưởng hiếp những người phụ nữ còn ở lại để bảo vệ tài sản gia đình hay chậm chân trên bước đường di tản. Mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở làng Ái Nghỉa dưới quyền cai trị của người Pháp , lấy chồng về thôn Mỹ Đông sống dưới chế độ Việt Minh, những người mang chiêu bài chống Pháp để dành độc lập và tự do cho đất nước Việt Nam , từ đó mẹ tôi đôi lần cũng chạy vào rừng để trốn kẻ ngoại xâm , mổi lần ra đi mẹ tôi gánh trong đôi thúng một bên là cô Chín , con gái út trong gia đình và một bên là gạo mắm để nuôi sống gia đình trong những ngày chạy loạn chốn rừng sâu, một lần trên đường di tản chạy ngang thôn Mỹ Nam một gia đình nào đó đã bỏ lại một đứa bé trai mới sinh được vài tháng trên một thữa ruộng lúa mới trổ bông, bà nội tôi chỉ có ba tôi là một đứa con trai duy nhất, vừa trốn khỏi vùng kháng chiến để gia nhập quân đội Pháp, nên muốn có thêm một đứa con trai nuôi để mai sau có kẻ cận kề hôm sớm lúc tuổi già, mẹ tôi lại có thêm một người để lo lắng trong những ngày chạy loạn, từ đó mẹ tôi gánh một bên thúng có cô Chín và bên kia có chú Mười. Những ngày tôi lớn khôn bên quê nội , cho đến năm 1962 tôi có chú Mười sống bên cạnh tôi, những chiều đi tắm sông Vu Gia chú lấy giây mồng tơi cột vào cánh tay làm dây biểu chương và nhảy xuống bờ sông tưởng tượng như lính nhảy dù nhảy ra khỏi phi cơ. Chồng cô Tám của tôi đi lính Nhảy Dù và gia đình cô ở miền Nam, nên những hình ảnh của chồng cô gởi về đã làm chú Mười của tôi yêu cuộc đời thiên thần mủ đõ, như cánh hoa dù yêu bầu trời lộng gió và nuôi cơn mộng mai sau trở thành người lính Nhảy Dù.

Năm 1964 chiến cuộc lan tràn từ quận Thường Đức về tới quận Đại Lộc, gia đình tôi di chuyển về Đà nẵng , chú Mười vào Sài Gòn với gia đình cô Tám ở trại gia binh Nhảy Dù gần ngã tư Bảy Hiền, cho đến sau tết Mậu Thân chú Mười lên 18 tuổi trở về Đà Nẵng và gia nhập Lực Lượng Đặc Biệt trú đóng tại căn cứ LLĐB tại Thường Đức, sau khi CSBV tấn công căn cứ nầy tháng 10 năm 1968 thì chú Mười mất tích , bà nội tôi buồn rầu vô cùng , ba tôi là quân nhân của một Tiểu Đoàn Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 1 BB đồn trú tại Phú Bài, it khi có dịp về thăm nhà và chú Mười là đứa con nuôi mà bà nội tôi coi như con ruột không biết ra sao , bà chỉ biết nguyện cầu Trời Phật phù hộ và có ngày đứa con trai út của bà về đến gia đình bình an. Sau khi ăn Tết Kỹ Dậu 1969 , gia đình nhận được tin chú Mười trốn thóat trại giam của CSBV, vượt sông Côn về Thường Đức và được đưa về trại LLĐB ở gần Non Nước , Đà Nẵng . Tôi đưa bà nội tôi về đó để tìm chú Mười, chú trông rất ốm yếu và đang tịnh dưỡng chờ đơn vị điều tra về tin tức và nơi chốn của trại tù binh cộng sãn, còn giam giữ các chiến sỉ của LLĐB sau trận tấn công xâm chiếm căn cứ LLĐB ở Thường Đức . Vài tháng sau chú được đưa vào Nha Trang , huấn luyện nhảy toán theo lời của chú qua những lá thư gởi về gia đình, mùa hè năm 1969 chú tôi trở lại Đà Nẵng đóng quân ở trại LLĐB gần Ngũ Hành Sơn, Non Nước .

Mổi lần xong công tác chú về nhà vài hôm, chú Mười ngày xưa bây giờ là Lê duy Lương, người lính Biệt Kích với chiếc mũ xanh và bộ đồ rằn ri, mang phù hiệu con cọp với cánh dù và tia sét trông rất oai hùng và đầy phong độ, những lần trở về với gia đình chú thường kể cho tôi nghe câu chuyện của những đêm toán biệt kích của chú nhảy vào trong rừng núi Trường Sơn, di chuyễn như bóng ma trong đêm tối mịt mù , trong cái chết đợi chờ từng giây phút, những cuộc đụng độ kinh hồn của một toán biệt kích với hàng trăm CSBV truy đuổi khi lộ diện. Tôi đang học lớp 10 và tình thế sôi động của cuộc chiến không biết lúc nào tôi sẻ vào quân ngủ , tôi lớn lên trong không khí chiến tranh của miền Trung máu lữa và những huyền thoại của người lính Biệt Kích oai hùng, do chú tôi kể lại. Tôi vào quân ngũ mùa hè đỏ lữa 1972 mang giấc mộng anh hùng như chú Mười của tôi nhưng không bao giờ thành đạt, tôi và chú Mười không còn gặp nhau từ đó, qua trang thư thăm viếng gửi cho tôi trên vùng chiến trận của quân khu III, tôi vẩn hình dung được người lính Biệt Kích mủ xanh và những đêm dài trong rừng sâu theo dỏi bước giặc thù. Tôi đi qua cơn mưa đầu mùa tháng sáu ở miền nam , nhưng không làm sao so sánh được cơn mưa rừng của Trường Sơn mùa giá buốt mà chú tôi từng chịu đựng, tôi đi qua chiến trường máu lữa Đức Huệ , Khiêm Hanh ,Tây Ninh, Long Khánh và Quốc lộ 13 về Lai Khê , An Lộc , nhưng không bằng những bóng ma biên giới lặn lội trong hiểm nguy của những người Biệt Kích anh hùng .

Qua những lần liên lạc với anh Phạm Hòa của hội ái hữu Đồng Đế, tôi được xem hình ảnh của anh Hoàng văn Hồng đoàn công tác 71, tôi nhận diện được nét hào hùng của người lính Biệt Kích ngày xưa, anh Hồng làm tôi nhớ chú tôi Lê duy Lương người lính mũ xanh của LLĐB ngày xưa, nhớ câu chuyện các anh trong những đêm âm thầm đi vào lòng đất địch, những hành động anh hùng của các anh làm tôi trở nên một chiến sỉ tầm thường, tôi không gan dạ như các anh coi thường hiểm nguy theo sát bên mình với một vài đồng đội dỏi bước kẻ thù, tôi không can đảm như các anh lặn lội chốn rừng sâu heo hút, không có ngày về an toàn bên người thân bè bạn. Nghe tin anh ra đi hôm nay, như những bạn bè anh đã ra đi ngày xưa trong cuộc chiến bảo vệ quê hương, tôi thấy lòng bùi ngùi, xúc động, không có ngôn từ nào diển tả hết nổi đau thương của những người thân và bè bạn mến yêu còn lại trên cỏi đời nầy. Tôi cầu xin anh một đời bình an trên thiên đường hạnh phúc và gởi anh lời cám ơn chân thành cho những tháng năm dài hi sinh cuộc đời son trẻ, để gìn giữ mảnh đất quê hương Việt Nam ngàn đời yêu dấu của chúng ta .

Lê Chiến Chi Đoàn 2/15 TK LĐ III KB

Monday, March 2, 2009

Mặt trận An Điền và đường về căn cứ 82


Đầu tháng 5 năm 1974, sau cuộc hành quân vào Kampuchia để giải vây căn cứ Đức Huệ , nằm trong quận Đức Hòa thuộc tỉnh Hậu Nghỉa, do Tiểu Đoàn 83 Biệt Động Quân biên phòng trấn giữ, chi đoàn 2/18 Thiết Kỵ có nhiệm vụ giữ an ninh trên quốc lộ 22 từ Bình Dương về Củ Chi,Trảng Bàng và Gò dầu Hạ, cho đến giữa tháng 5 năm 1974 khi chi đoàn nhận lịnh di chuyển về Bến Cát , một quận lỵ nằm trên đường về Lai Khê, cách Bình Dương hơn 10 cây số dọc theo quốc lộ 13 , một con đường đã đi vào trong chiến sữ với địa danh An Lộc ,mà những tháng ngày còn lặn lội ở quân trường Đồng Đế, Nha Trang ,tôi chỉ nghe tên mà không có lúc nào hình dung trong đầu óc, là có một ngày nào đó tôi sẻ trực tiếp tham chiến tại vùng nầy , mục đích của cuộc hành quân là yểm trợ cho Sư Đoàn 18 Bộ Binh tái chiếm An Điền và căn cứ 82 đã bị sư đoàn 9 Cộng Sản Bắc Việt tấn công và tràn ngập trong 2 ngày 16 và 17 tháng 5 năm 1974.Chi đội trưởng chi đội 4 là Chuẩn Úy Nùng văn Nội về hậu cứ trị bịnh, nên tôi tạm thời chỉ huy chi đội 4 trong cuộc hành quân nầy , đây là cái nhìn hạn hẹp của của một sĩ quan chi đội trưởng vừa ra trường không đầy 3 tháng, trong một trận đánh dữ dội mà tổn thất của hai bên lên đến cả ngàn người.

Chi Đoàn 2/18 TK dưới quyền chỉ huy của chi đoàn trưởng Đại Úy Trần văn Làm vào quận Bến Cát ngày 17 tháng 5 cùng với Tiểu Đoàn 64 Biệt Động Quân tùng thiết , trong lúc các toán trinh sát của SĐ 18 BB đi vào bố trí bên nầy bờ sông Thị Thính và chờ lịnh vượt sông , CSBV bắt đầu pháo kích vào quận lỵ bằng đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly và 107 ly suốt ngày, nên những người dân ở đây đã di tản về một vùng bình yên nào đó. Ngày 25 tháng 5 chi đoàn di chuyển đến bờ sông Thị Thính để yểm trợ cho Lực lượng BĐQ và trinh sát SĐ18 BB tái chiếm An Điền,một chi đội chiến xa M48 của TĐ 22 CX,chi đội 1 chiến xa M41 của Th/Úy Lân án ngử tại đầu cầu , bên hông có chi đội 2 thiết vận xa M113 của Th/Úy Dạ và chi đội 3 M113 của Th/Úy Viên , chi đội 4 của tôi chỉ huy còn có 3 xe M113, trang bị súng cối 81 ly nằm trên đường tỉnh lộ 14 ,cách sông Thị Thính chừng 500 thước,từ đây nhìn qua bên kia cầu là môt đoạn đường khoảng 100 thước hai bên là sình lầy,xác của 2 chiếc xe tăng T 54 bị bắn hư hại bởi một đơn vị bạn vẩn còn nằm bên phải của đoạn đường nầy . Đạn pháo của địch vẩn tiếp tục rơi vào bên nầy sông và thỉnh thoảng một vài trái hỏa tiển AT-3 từ bên kia sông bắn qua nhưng không gây một thiệt hại nào đáng kể, bên kia sông địch quân di chuyển vủ khí, đạn dược và đào công sự phòng thủ đợi chờ.

Từ đây cho đến cuối tháng 5 năm 1974 ,TĐ 64 BĐQ và trinh sát SĐ 18 đã lấy lại một phần phía đông của làng An Điền, nhưng cầu sông Thị Tính và đường vào An Điền không đủ khả năng an toàn để Chi đoàn 2/18 TK vào yểm trợ cho các đơn vị bạn. Ngày 1 tháng 6 Trung Đoàn 52 ,SĐ 18 BB băng qua cầu Thị Thính vào An Điền,chi đoàn nằm bên nầy bờ sông Thị Thính xử dụng đại liên 50 , đại bác trên chiến xa M 48 và M 41 để yểm trợ cho cuộc tấn công , Chuẩn Úy Trần văn Đình cùng khóa 8/72 SQTB Đồng Đế với tôi là trung đội trưởng trinh sát của SĐ 18 BB đã tử trận ngày hôm đó , trong thời gian nầy Công Binh chiến đấu đã tu bổ cầu và đường vào An Điền ,ngày 4 và 5 tháng 6 với sự hổ trợ của Trung Đoàn 48 , SĐ 18 BB và BĐQ đã tái chiếm An Điền và mở đầu cho cuộc tấn công của Chiến Đoàn 318 Xung Kích trên đường về căn cứ 82.

Chiều ngày 6 tháng 6 năm 1974 , chi đoàn vượt qua cầu Thị Thính , tôi lội bộ trên đoạn đường vào làng để chỉ dẩn chi đội 4 vượt qua một bải lầy thì Cộng quân bắt đầu pháo kích trên đường vào An Điền, tôi phải nhảy vào trong một chiến xa T54 cộng quân còn bỏ lại trên đường để tránh pháo, Trung sỉ Phước, một trưởng xa trong chi đội 4 và 2 người lính BĐQ bị thương nặng, xe tôi bị gảy cây antena nên tôi xử dụng xe của TS Phước để xử dụng máy truyền tin và hướng dẫn chi đội 4 vào An Điền khi trời vừa sụp tối, trong cơn mưa đầu mùa tháng 6 của miền Nam .Chung quanh làng An Điền hàng chục xác chết CSBV rải rác trên đường ,một số nằm trên bờ ruộng và một phần lớn chôn vùi trong giao thông hào kiên cố, mà cộng quân đã che đậy với những tấm lưới đan bằng cây chồi và phủ đầy với 5,6 tất đất , những xác chết CSBV đã để lại sau hơn hai tuần lể giao tranh nên mùi hôi thối rất khó chịu , đêm đó CS tấn công phòng tuyến của SĐ 18 BB và tiếp tục pháo kích vào An Điền, trong xe ngoài tôi ra chỉ còn có Hùng tài xế và Thạch là một tân binh mới về đơn vị làm xạ thủ đại liên , cả ba đứa tôi thay phiên canh gác đợi chờ sáng mai vào giải tỏa căn cứ 82.

Tờ mờ sáng ngày 7 tháng 6 chi đoàn di chuyển ra khỏi làng An Điền về hướng Bắc , đội hình di chuyển với chi đội 1 và 2 đi hàng ngang ,đi hàng dọc hông bên trái là chi đội 3 và hông bên phải là chi đội 4 của tôi chỉ còn hai xe liên lạc bằng máy truyền tin, xe còn lại chạy theo sau và tôi ra dấu hiệu bằng tay . Chi Đoàn tiến vào khoảng 200 thước thì đụng độ chốt đầu tiên của CSBV , hàng cây chồi và cỏ ở đây cao hơn một thước nên khó nhìn rỏ địch quân ở đâu , trận đánh kéo dài suốt ngày, dưới cơn mưa pháo của tất cả các loại từ đại bác 130 ly, hỏa tiển 107ly, 122 ly , súng cối 82 và 61 ly của cộng quân , chi đoàn di chuyển rất chậm , một số binh sỉ BĐQ và thiết kỵ tử thương trong khi địch bỏ lại nhiều xác chết trong các hầm hố xây dựng rất kiên cố , tối đến chi đoàn vòng lại bố trí phòng thủ , nửa đêm đặc công CS xâm nhập vào vòng đai và cuộc chiến tiếp diển , tôi nghe máy truyền tin, nhận tọa độ và bắn súng cối yểm trợ trước phòng tuyến của thiết giáp và BĐQ, mổi lần nghe tiếng động phía trước đầu xe thì tôi ném vài trái lựu đạn đề phòng đặc công tấn công .Sáng hôm sau trước khi di chuyển vào mục tiêu, Hùng tài xế lấy C4 [thuốc nổ trong mìn Claymore] nấu ca nước nóng đổ vào bịch gạo sấy , ba đứa tôi chia nhau ăn với ba miếng khô cá sặc bằng hai ngón tay và cả ba đứa uống chung một ca nước lạnh, rồi sẳn sàng vào trận địa để tiếp tục thêm một ngày máu lữa , ngày nào cũng vậy sau những miếng cơm sấy với cá khô ,súng đạn sẳn sàng khai hỏa khi vào mục tiêu , xông pha trong tiếng đạn thù, để đêm về trong giấc ngủ không yên nghe đạn pháo rơi đầy trên chiến lũy , chi đoàn tiến quân còn cách căn cứ 82 một cây số thì CS phản công dữ dội , tử thủ trong hầm với B40, B41 ,82ly không giật với pháo binh yểm trợ từ Lai Khê và phía bắc căn cứ 82 , ban đêm địch xữ dụng đại liên 12 ly 7 từ những chiến xa T 54 và PT 76 đã bị hư hại bởi pháo binh hay phi cơ oanh kích trước đây , bắn vào khi đơn vị phòng thủ ban đêm, mổi ngày chi đoàn tấn công chiếm được 50 đến 100 thước , ban đêm lùi lại 50 thước để vào vị trí phòng thủ và ngày hôm sau lại tiếp tục tấn công ,chi đoàn cầm chân tại chổ cho đến 13 tháng 6 thì Chiến Đoàn 315 Xung Kích vào tiếp viện. Chi Đoàn di chuyển qua khỏi An Điền , vượt cầu Thị Thính về giử an ninh trên quốc 13, bổ sung quân số và đạn dược đồng thời bảo vệ các căn cứ pháo binh của Tiểu khu Bình Dương và SĐ 18 BB, yểm trợ các đơn vị bạn còn tiếp tục trên đường về giải tỏa căn cứ 82.

Ngày 20 tháng 6 năm 1974 chi đoàn di chuyển về tỉnh lộ 1A trên đường đi Phú Giáo , ngày hôm sau tôi nhận lịnh về Lử Đoàn III Kỵ binh, khi về đến Biên Hòa mới biết tin tôi được thuyên chuyển về Chi Đoàn 2/15 TK, ngày 22 tháng 6 tôi trở lại An Điền trình diện tại bộ chỉ huy Thiết Đoàn 15,nằm tại phía đông nam làng An Điền,đạn pháo địch từ hướng Bắc vẩn kéo về đây không dứt , trong lúc CĐ 2/15 TK di chuyển về phía nam làng An Điền, sau một tuần lể giao tranh với CSBV trên đường vào căn cứ 82 trong những ngày trước đây , tôi về chi đội 4 , chỉ còn 2 xe thiết vận xa M113 trang bị súng cối 81 ly , 2 trưởng xa , 2 tài xế mà thôi. Ngày hôm sau CĐ 2/15 TK rời An Điền thay thế bởi CĐ 2/18 TK và mấy ngày sau tôi được tin Đ/Úy Trần văn Làm tử trận trên đường về căn cứ 82.

Đầu tháng 10 năm 1974, khi CĐ 2/15 TK hành quân trên QL 20 về Định Quán , Phương Lâm ,tôi nghe tin SĐ 5 BB đã tái chiếm và treo cờ vàng ba sọc đỏ trên căn cứ 82 , tôi rất vui mừng vì sau gần 4 tháng với các đơn vị bạn BĐQ, SĐ 18 , SĐ 5, SĐ 25 BB và Lử Đoàn III XK với các chiến đoàn 315, 318 và 322 XK, nhiệm vụ giải tỏa căn cứ 82 đã thành công, bù lại tổn thất của hai bên lên đến cả ngàn người , những đổ vỡ của chiến tranh trên phố Bến Cát và điêu tàn của ngôi làng mang tên An Điền, mà thửa ruộng cũng không còn ngày tháng bình yên. Tôi nhớ mải về Hùng , nhớ câu chuyện về quê hương của Hùng ở Tây Ninh , những hứa hẹn có ngày về thăm khi đơn vị hành quân qua lối đó, tôi nhớ mãi những người kỵ binh anh dũng của CĐ 2/18 TK, những người đã cùng tôi chia xẻ những ngày dài trong chiến trận,tôi nhớ Hùng và Thạch những ngày chia nhau nắm cơm sấy ăn vội vàng với miếng cá khô, ngồi bên nhau đếm từng tiếng đạn pháo rơi về trên trận tuyến, ước mong hai chử bình an, tôi thương mến vô cùng những kỵ binh đồng đội của tôi và những chiến hửu của các đơn vị bạn, đã hy sinh trên chiến trường An Điền và trên đường về giải tỏa căn cứ 82 để bảo vệ mảnh đất quê hương, tôi quay quắt với cơn buồn, trong những tháng ngày lưu lạc trên quê hương thứ hai, thầm mơ có một lần về thăm chốn cũ.

Thiên Chương chi đoàn 2/15 TK mùa xuân 2009